Tin TUYỂN SINH

»

Học sinh học giỏi sao nước chưa giàu?

 

Học sinh học giỏi sao nước chưa giàu?

Đừng tự hào là nước ta nghèo mà giỏi, hãy hỏi vì sao chúng ta giỏi thế, văn hoá, di sản giàu có thế mà đất nước vẫn nghèo.

1. “Dưa muối Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại” là câu mà hôm nay tôi đã thử nói với mọi người trong gia đình và ngoài chợ. Bạn thử đoán xem kết quả thế nào? Chả ai tin! Mẹ chồng tôi bảo: “Làm gì có chuyện!”. Bà bán dưa muối cười vang bảo muốn lừa bà thì tìm cái gì khác khả dĩ hơn. Bác tổ trưởng còn sờ trán tôi xem sốt bao nhiêu độ.

Tôi đành phải thừa nhận mình nhầm, cái được UNESCO công nhận là Kim Chi của Hàn Quốc. Thật không? Thật! Thế là ai cũng tin. Cả những người chưa ăn và người ăn rồi (dù hơi bâng khuân chút xíu) đều tin. Thì tổ chức quốc tế uy tín như thế đánh giá nên đương nhiên là chuẩn rồi.

2. Dư luận tuần qua nóng chuyện học sinh Việt Nam giỏi hơn học sinh Pháp, Mỹ, Anh… sau khi PISA - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế uy tín hàng đầu thế giới công bố kết quả khảo sát trên 3 lĩnh vực Toán, Đọc hiểu, Khoa học. Với kết quả này, Việt Nam đang được coi như một hiện tượng, một “ngôi sao sáng” trên bầu trời giáo dục.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
 
Cũng là do một tổ chức quốc tế đánh giá mà lại có nhiều người nghi ngờ. Chị bán phở đầu ngõ nhà tôi bảo: “Thế thì cần gì tốn tiền cho con em đi du học!”. Khách ăn phở cười nửa miệng: “Có khi còn phải mở thêm trường đón làn sóng du học sinh nước ngoài đến Việt Nam”(!).

Nhiều chuyên gia cũng tỏ ý nghi ngờ. Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc điều hành Thái Hà Books cho rằng cần phải xem lại danh sách 4.500 bạn được chọn mẫu trong khảo sát này có là chuẩn hay không. Bên cạnh việc thừa nhận đây là một việc đáng mừng, GS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng tổ chức PISA không đánh giá toàn bộ kỹ năng mềm của học sinh, nên kết quả xếp hạng cao như vậy cũng chỉ để biết trình độ học sinh của ta so với các nước mà thôi.

3. Thực ra không phải món Kim Chi của Hàn Quốc trở thành Di sản phi vật thể nhân loại. Cái được UNESCO vinh danh là “Văn hoá muối Kim Chi”. Vậy Việt Nam có văn hoá muối Dưa muối không? Câu trả lời phụ thuộc vào sự tự tin, bản lĩnh của người Việt chúng ta.

Sự tự tin đó có số phận long đong, lận đận, “ba chìm, bảy nổi” như khúc gỗ trầm năm nào lênh đênh trên biển Đông không hiểu sao lại dạt vào nước Nhật. Chỉ ở nơi đó, khúc gỗ ấy mới trở thành khởi nguồn cho một nghệ thuật tinh tế “Hương Đạo”.

Trong một chuyến “hành hương” về Việt Nam - quê hương của cây gỗ kyara (trầm hương), các nghệ nhân Hương đạo đã nói thế này: “Bảo tồn văn hoá truyền thống không phải là dạy cho thế hệ trẻ những kỹ năng hay kỹ thuật để thực hành chúng, mà phải làm sao cho họ hiểu được những tầng sâu văn hóa, những giá trị tinh túy ẩn sâu trong đó.”

Và lúc đó tôi đã hiểu và thấm thía vì sao một đất nước không có loại gỗ quý nhưng lại vẫn tạo ra được giá trị mới, khai sinh ra một môn phái mới, bồi đắp, làm giàu cho bản sắc văn hoá của họ.
 
Lại nghĩ về món DƯA MUỐI (xin phép được viết hoa nó trong bài này), nếu chúng ta không có căn bản là sự hiểu biết và niềm tin thì làm sao có được sự tự tin vào bản sắc văn hoá truyền thống rất giàu có của đất nước. Chúng ta không tin thì ai sẽ tin, chúng ta không vinh danh thì ai sẽ vinh danh?

Cũng giống như kết quả đánh giá học sinh PISA - một bảng tham chiếu khá uy tín trên thế giới lại khiến người Việt nghi ngờ. Không ai phủ nhận tố chất thông minh của người Việt, nhưng bảo đó là thành tích của nền giáo dục nước nhà thì không nhiều người tin, có lẽ điểm nổi trội là chúng ta đã tạo ra những con người học chỉ để đối phó với các kỳ thi.

Vì thế đừng tự hào là đất nước ta nghèo mà có nhiều học sinh giỏi, hãy tự hỏi vì sao người Việt chúng ta giỏi thế, thông minh thế, đất nước ta “rừng vàng biển bạc” thế, văn hoá, di sản giàu có thế mà đất nước chưa giàu.
 

 

TIN KHÁC

Video

Bản đồ