Tin TUYỂN SINH

»

Bạn sẽ thi đại học được bao nhiêu điểm

 Bạn sẽ thi đại học được bao nhiêu điểm

Cả nước có trên 4.000 ngành tuyển sinh ở trình độ ĐH, CĐ với tạo ở nhiều cơ sở khác nhau. Vì vậy, học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành phù hợp với sở thích nghề nghiệp bản thân. Tuy nhiên, do điểm đầu vào của các ngành học ở các trường khác nhau nên thí sinh cần xác định khả năng học tập của mình qua việc xác định kết quả học tập các môn học THPT có liên quan đến từng khối thi, theo các bước sau:

Bước 1 - Xác định khối thi nổi trội nhất

Việc chọn ngành nghề theo sở thích nghề nghiệp còn tùy thuộc sức học của bạn. Sức học có thể được đo lường dựa trên kết quả học tập ở bậc THPT. Kỳ thi tuyển sinh ĐH có các khối thi A, B, C, D với các môn thi tương ứng: Toán, Lí, Hóa; Toán, Hóa, Sinh; Văn, Sử, Địa; Toán, Văn, Ngoại ngữ. Căn cứ kết quả học tập THPT của các môn nói trên, thí sinh có thể tự xác định hai khối thi nổi trội nhất.

Để xác định, đầu tiên các bạn phải tính điểm trung bình (ĐTB) từng môn trong mỗi khối thi bằng cách cộng ĐTB năm học của từng môn ở cả ba năm lớp 10, 11 và 12. Trong đó, do đề thi được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12 nên điểm của lớp 12 cần được xem xét quan trọng hơn bằng cách nhân hệ số. Nếu bạn chọn hệ số 2 cho điểm của lớp 12, khi tính ĐTB năm học của một môn nào, các bạn sẽ lấy tổng điểm của môn đó (sau khi đã nhân hệ số 2 cho điểm năm lớp 12) chia cho 4. Cộng ĐTB ba môn bạn sẽ được điểm học tập của khối.

Ví dụ ĐTB môn Toán = (ĐTB năm học môn Toán lớp 10 + ĐTB năm học môn Toán lớp 11 + ĐTB năm học môn Toán lớp 12x2)/4. ĐTB môn Toán: (9,7+9,0+8,9×2)/4 = 9,1; ĐTB môn Hóa: (8,4+8,0+8,3×2)/4 = 8,3; ĐTB môn sinh: (8,0+8,4+8,0×2)/4 = 8,1. Như vậy, điểm học tập khối B sẽ là: 9,1+8,3+8,1 = 25,5 điểm.

Bước 2 - Xác định khả năng tự làm bài thi tuyển sinh

Bạn có thể tự ước đoán khả năng làm bài thi tuyển sinh (của khối thi tương ứng), gọi tắt là hệ số T. Thông thường, hệ số T sẽ lớn hơn 0 và nhỏ hơn 1. Hệ số T phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ của học sinh, nội dung đề thi, tâm lý của người làm bài thi... Do vậy các bạn có thể tự ước đoán hệ số T hoặc có thể tính hệ số T của mình thông qua việc giải đề thi tuyển sinh (có cùng khối thi mà thí sinh dự định thi) của những năm gần nhất. Lưu ý, việc giải đề thi các năm trước phải được thực hiện trong điều kiện như thi thật.

Chẳng hạn, khối A, B là hai khối mà các bạn có ĐTB khối cao nhất, bạn sẽ tính hệ số T của hai khối này bằng cách lấy kết quả làm bài của ba môn thi chia cho 30 (công thức: TA = (kết quả làm bài thi môn Toán + môn Lí + môn Hóa)/30 hoặc TB= (kết quả làm bài thi môn Toán + môn Sinh + môn Hóa)/30).

Ví dụ, bạn thử làm đề thi tuyển sinh năm 2009 của ba môn khối B là 21 điểm, nghĩa là hệ số T khối B của bạn sẽ là: 21/30=0,7.

Bước 3 - Ước đoán kết quả thi ĐH

Sau khi đã có điểm học tập của từng khối thi, hệ số T, các bạn bắt đầu tính toán mức điểm ước đạt của mình ứng với khối thi đã chọn cho kỳ thi sắp tới. Cách tính dựa trên công thức: điểm học tập của khối thi nhân với T. Ví dụ, với điểm học tập khối B của bạn là 25,5 điểm và hệ số T là 0,7, điểm ước đạt của bạn là 25,5 x 0,7 = 17,8 điểm.

Tiếp theo bạn tìm những ngành phù hợp với sở thích nghề nghiệp và có điểm chuẩn phù hợp với mức điểm ước đạt của mình, lưu ý thêm các thông tin về ngành, nơi đào tạo, vị trí việc làm, mức học phí, tổ chức thi hay xét tuyển... để quyết định ngành sẽ dự thi. Như vậy biết lượng sức mình và quyết tâm thì cơ hội thành công cao nhất sẽ luôn mỉm cười với các bạn.

TIN KHÁC

Video

Bản đồ