Tin TUYỂN SINH

»

Bí mật phía sau đề thi đại học - Kỳ 1: Cuộc gọi từ Bộ Giáo dục-đào tạo

 

Bí mật phía sau đề thi đại học - Kỳ 1: Cuộc gọi từ Bộ Giáo dục-đào tạo

 
Cỡ chữ:
 

Sáng 3-7, khi thí sinh đến trường làm thủ tục dự thi đại học năm 2014 thì khoảng 100 giáo viên vẫn đang ở trong một “trại” ra đề thi của Bộ GD-ĐT. Các thầy cô này tập trung ba tuần ở một nơi an ninh nghiêm ngặt để ra đề cho kỳ thi.

Việc ra đề thi đại học diễn ra như thế nào, bảo mật ra sao? Những thầy cô trực tiếp ra đề thi các năm trước sẽ kể cho chúng ta nghe những chuyện ít người biết.

Giữa tháng 6, khi thí sinh cả nước đang chạy nước rút ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh ĐH cách đây vài năm, GS.TS Đỗ Thanh Bình - nguyên trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nhận được một cuộc điện thoại.

“Thưa thầy, Bộ GD-ĐT mời thầy tham gia ra đề thi tuyển sinh ĐH môn lịch sử năm nay - đầu dây bên kia nói - Người ra đề sẽ ở tập trung trong gần một tháng đến hết ngày 10-7. Thầy có thu xếp tham gia được không ạ?”. Giáo sư Bình nhận lời, đầu dây bên kia “dặn dò” thêm: “Đây là chuyện bí mật quốc gia. Thầy không được nói với bất kỳ ai là mình sẽ tham gia ra đề thi ĐH trong năm nay”.

Cắt liên lạc một tháng

“Khi tôi nhận được điện thoại từ Bộ GD-ĐT mời đi làm đề thi đến lúc tập trung chỉ có hai ngày để chuẩn bị - ông Bình nhớ lại - Đây là vấn đề bảo mật. Người được mời ra đề vì thế cũng được báo rất cận ngày”. Đã tham gia ra đề thi học sinh giỏi quốc gia, ra đề thi tuyển sinh cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân... những năm trước thi “ba chung”, nhưng khi nhận được cuộc gọi từ Bộ GD-ĐT, giáo sư Bình bảo mình “nhận thấy trách nhiệm rất lớn”. “Lúc ấy tôi lo lắm. Mình làm đề tốt, đề hay, mọi chuyện suôn sẻ thì không sao. Nhưng có vấn đề gì về đề thi sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu thí sinh, gia đình các em” - thầy Bình lo lắng.

“Mình làm đề tốt, đề hay, mọi chuyện suôn sẻ thì không sao. Nhưng có vấn đề gì về đề thi sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu thí sinh, gia đình các em”. Giáo sư ĐỖ THANH BÌNH

Được Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tập trung trong gần một tháng, nhưng để bảo mật ông Bình chỉ báo với cơ quan là “đi công tác ở Bộ GD-ĐT”. Và trong thời gian công tác sẽ... không liên lạc được. “Về nhà bảo đi công tác một tháng, vợ con mình hỏi đi đâu. Thật ra mình cũng không biết sẽ được đi đâu để mà trả lời vợ con. Chỉ xác định là... cắt liên lạc với gia đình, cơ quan trong một tháng” - ông Bình nói vui.

Hai ngày sau cuộc gọi từ Bộ GD-ĐT, giáo sư Bình có mặt tại trụ sở Bộ GD-ĐT ở Hà Nội. Lúc này giáo viên tham gia ra đề thi các môn khác như ngữ văn, địa lý, toán, vật lý, hóa học, sinh học và các môn ngoại ngữ cũng đã tập trung tại đây. Những thầy cô giáo này có người là giảng viên ĐH, có người là giáo viên THPT từ các trường ở Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên và nhiều tỉnh, thành khác. “Ai cũng chuẩn bị tinh thần là sẽ ở tập trung trong gần một tháng nhưng không biết sẽ được đưa đi đâu” - giáo sư Bình kể tiếp.

Chuyện công văn mật

Khi ấy từ TP.HCM, PGS.TS Lê Văn Hiếu (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã có mặt tại Bộ GD-ĐT để tham gia ra đề thi môn vật lý. Đến Bộ GD-ĐT, thầy Hiếu mới nhận ra cùng trường với mình còn có thêm vài giáo viên khác được mời ra đề nhưng trước đó ông không hề biết. “Để bảo mật, Bộ GD-ĐT gọi điện cho từng người mời, thông báo ngày tập trung. Mọi người tự mua vé máy bay tự đi chứ chẳng ai biết. Ở cùng trường với nhau nhưng ra đến đây nhiều người mới biết người kia được mời ra đề” - thầy Hiếu kể.

Nhiều năm làm công tác ra đề thi môn vật lý, thầy Hiếu nhớ lại cảm xúc năm đầu tiên được triệu tập ra đề thi của mình: “Tôi lo lắm. Tinh thần người được mời đi ra đề thi là rất vinh dự vì được Bộ GD-ĐT tin tưởng. Vinh dự ấy đi kèm với trách nhiệm nên rất nặng nề. Mình được tin tưởng giao nhiệm vụ ra đề thi cho học sinh cả nước nên áp lực rất lớn”.

Trước đó, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng nhận được công văn mật từ Bộ GD-ĐT. Theo một cán bộ của ĐH này, công văn có nội dung như sau: “Kính gửi ĐH Quốc gia Hà Nội. Bộ GD-ĐT trân trọng đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội cử những cán bộ, giảng viên sau đây tham gia tổ làm đề của Bộ GD-ĐT cho kỳ thi tuyển sinh năm nay”. Công văn này nêu rõ tên người được mời tham gia ra đề ở từng môn thi. “Sau khi trao đổi lại với những người được nêu tên trong công văn, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ gửi xuống các đơn vị để đề nghị cho các cán bộ, giảng viên ấy đi công tác theo lời mời của Bộ GD-ĐT” - vị cán bộ kể thêm.

Ngoài người phụ trách của ĐH Quốc gia Hà Nội và người trực tiếp đi ra đề thi, không ai biết những cán bộ đi ra đề. Trên giấy tờ công tác cũng chỉ thể hiện “Đi công tác ở Bộ GD-ĐT”. “ĐH Quốc gia Hà Nội năm nào cũng nhận được công văn ấy - vị cán bộ cho biết - Khi văn thư nhìn thấy chữ mật sẽ lập tức chuyển ngay cho ban giám đốc. Ban giám đốc xem xong sẽ chuyển cho ban đào tạo giải quyết. Ban đào tạo sẽ liên lạc trực tiếp với người được mời ra đề để thống nhất trong thời gian ấy không đi công tác nước ngoài, và đơn vị không giao nhiệm vụ khác...”.

Khi các giáo viên đã tập trung đông đủ ở Bộ GD-ĐT, xe chở đoàn đến một khu nghỉ dưỡng biệt lập ở Hải Dương. Khu vực này “nội bất xuất, ngoại bất nhập” bằng những sợi dây giới hạn màu đỏ. “Xuống xe, việc đầu tiên các cán bộ an ninh có sẵn ở đó thực hiện là thu hết điện thoại của giáo viên ra đề. Mỗi điện thoại được tắt nguồn, bỏ vào một túi và ghi tên cẩn thận của từng người” - thầy Bình kể.

Còn thầy Hiếu diễn tả việc an ninh nghiêm ngặt ở khu vực ra đề thi như sau: “Qua cổng khách sạn phải qua máy soi an ninh như ở phi trường vậy. Hành lý cũng cho vào máy soi...”.

 


Giáo sư ĐỖ THANH BÌNH - Ảnh: Hà Bình

 
Đoàn thanh tra Bộ GD-ĐT kiểm tra việc giao nhận túi đựng bài thi tại hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2013 - Ảnh: Trần Huỳnh
 Hội đồng tuyển sinh ĐH Nông lâm TP.HCM tiếp nhận các thùng đề thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013.

Mỗi năm mời khoảng 100 giáo viên ra đề

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga “bật mí” về nguyên tắc chọn giáo viên làm công tác biên soạn và phản biện đề thi: “Phải khẳng định giáo viên ra đề thi đều rất giỏi chuyên môn. Hiện tại, trong tổ ra đề thi các môn, tỉ lệ giáo viên phổ thông được chọn nhiều hơn so với giảng viên ĐH để bảo đảm đề thi phù hợp với trình độ học sinh phổ thông, không đánh đố, nhưng vẫn đánh giá được năng lực học sinh có thể học tiếp hay không”.

TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - cho biết trước mỗi kỳ thi ĐH bộ sẽ mời giảng viên có kinh nghiệm từ các trường ĐH tham gia công tác ra đề thi. Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ gửi công văn về các sở GD-ĐT đề nghị giới thiệu giáo viên giỏi chuyên môn từ các trường THPT tham gia ra đề thi. Ông Nghĩa cũng cho biết mỗi năm có khoảng 100 giảng viên, giáo viên trong cả nước được mời tham gia ra đề cho các môn thi. “Việc mời giảng viên các trường ĐH, giáo viên các tỉnh sẽ không cố định. Có năm bộ mời trường này, năm khác mời trường khác. Việc lựa chọn giáo viên ra đề thi ĐH cũng theo vùng miền, người có kinh nghiệm và những người mới” - ông Nghĩa nói.

 

 
Tác giả bài viết: HÀ BÌNH - NGỌC HÀ 
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

 

TIN KHÁC

Video

Bản đồ