Tin TUYỂN SINH

»

Bí mật phía sau đề thi đại học - Kỳ 4: Electron hay êlectrôn?

 Bên trong khu vực ra đề thi, PGS.TS L.V. (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) đang cùng tổ vật lý thảo luận. Nguyên tắc khi ra đề là phải rõ ràng, tránh để thí sinh khó hiểu hay hiểu theo nhiều cách khác nhau. Và tổ vật lý lúc ấy đang gặp phải vấn đề khiến cả tổ “vò đầu bứt tai”.

Chuyện ở tổ lý

 

Mang theo từ điển tiếng Việt

Hành trang mang theo từ TP.HCM ra Hà Nội làm đề thi đại học của PGS.TS L.V. (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) ngoài sách vở, quần áo còn có một cuốn... từ điển tiếng Việt. “Phải dùng những từ chuẩn, rõ ràng, phổ thông nhất để tất cả thí sinh có thể hiểu được. Từ nào hiểu nhiều nghĩa khác nhau là tôi tra từ điển ngay để dùng cho chính xác” - ông V. kể.

 

Trước mặt những thành viên tổ ra đề là hai bộ sách giáo khoa vật lý. Bộ sách do những tác giả thuộc hàng “cây đa cây đề” của làng vật lý nước nhà biên soạn. Có điều một bộ sách dùng từ “electron”, còn bộ kia dùng “êlectrôn”. Cái đội nón cái không đội nón. Tương tự như thế, một bộ sách dùng từ nơtron và bộ kia dùng nơtrôn, bộ dùng Y-âng và bộ lại dùng... Iâng. Nên dùng chữ nào thì đúng nhất cho thí sinh? Đó là vấn đề đặt ra trên bàn thảo luận của tổ vật lý.

“Tôi nghĩ mình dùng chữ electron hay êlectrôn trong đề thi đều được. Các em học sinh vẫn hiểu và làm bài được thôi. Tuy nhiên, nếu trường hợp có em học sinh hay thầy cô giáo nào đó bảo rằng mình chỉ học êlectrôn, không biết electron là gì hay ngược lại thì xử lý như thế nào? Rồi có học trò nói mình chỉ biết Iâng chứ không biết Y-âng và không làm được bài thi thì sao?” - thầy V. chống tay lên cằm suy nghĩ.

Suy đi tính lại, cuối cùng tổ vật lý đành chọn giải pháp an toàn nhất. Đó là dùng cách viết êlectrôn rồi mở ngoặc chú thích thêm electron. Tương tự sẽ viết nơtrôn (nơtron) và Iâng (Y-âng) để thí sinh không hiểu nhầm. Câu chuyện trên là của đề thi môn vật lý năm 2007. Xem lại đề thi này sẽ thấy tổ làm đề đã viết như sau: “...Khi êlectrôn (electron) trong nguyên tử hiđrô chuyển từ quỹ đạo dừng...”; “Trong thí nghiệm Iâng (Y-âng)...” hay “Số nơtrôn (nơtron)...”.

Nhiệm vụ quốc gia

Những thắc mắc muôn hình muôn vẻ của dư luận xoay quanh đề thi sau khi thi xong khiến các tổ ra đề phải vắt óc dự liệu những tình huống có thể xảy ra. Ông V. kể lại năm ra đề thi môn vật lý theo hình thức tự luận. Trong đề có câu hỏi tình huống đưa ra là treo con lắc đơn để tính toán. Thi xong, có ý kiến bắt bẻ: Điện trường cực mạnh con lắc nhảy chổng lên trên thì sao? Người này đưa lý lẽ đáng ra con lắc phải treo sát trần mới không nhảy lên trên được.

“Tôi biện luận là con lắc chổng lên trời có nghiệm toán học nhưng không có ý nghĩa vật lý và không phải là con lắc dao động nữa. Mà đề thi đang nói về con lắc dao động. Mọi người thắc mắc đến mức độ đó nên người làm đề phải dự trù hết tất cả các tình huống” - thầy V. giải thích.

Cũng tại tổ ra đề thi môn vật lý, một cán bộ trẻ đề xuất đề thi và nộp lên tổ trưởng tổ ra đề. Tổ trưởng thẩm định và yêu cầu bổ sung giả thuyết cho câu hỏi. Cán bộ trẻ trả lời: “Không, em đúng rồi. Em không bổ sung”. Tổ trưởng và các tổ viên cùng ngồi lại thảo luận và đều cho rằng ý kiến của tổ trưởng là đúng. Nhưng cán bộ trẻ vẫn bướng: “Em không sửa gì hết”. Tổ trưởng gắt: “Đây là nhiệm vụ quốc gia. Anh phải nghe ý kiến của tập thể. Bài toán anh ra thiếu dữ kiện đưa ra ngoài sao thí sinh làm?”. Nói rồi, vị tổ trưởng bước ra ngoài đốt thuốc hút. Ngẫm nghĩ gì đó, cán bộ trẻ ra xin lỗi tổ trưởng và nghe theo ý kiến của cả tổ.

Lần khác, một phó giáo sư ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất lên một câu của đề vật lý. Nhìn thấy câu hỏi, vị giáo sư tổ trưởng bảo ngay: “Đề của bạn lấy trong cuốn sách năm 1958. Đề ấy hay nhưng có hai cách giải. Đề hay nhưng có hai cách giải thì chưa hay. Đề ấy là đề phù hợp với kỳ thi học sinh giỏi hơn là kỳ thi tuyển sinh đại học. Các bạn chọn đề làm sao cho học sinh lớp 12 tốt nghiệp trung bình vẫn có thể làm điểm trung bình”. Kể lại, vị phó giáo sư vẫn nể phục sự uyên bác và cái tâm trong việc làm đề thi của tổ trưởng.

 

Cãi nhau đỏ mặt

Tại tổ lịch sử, năm người làm năm câu hỏi cho đề thi rồi đưa ra cùng bàn luận tìm phương án trả lời cho từng câu. Câu hỏi đề xuất của một giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) có thể trả lời theo bốn ý. Tuy nhiên, ba ý có trong sách giáo khoa và một ý mở nằm ngoài sách giáo khoa. Cả tổ bàn luận rồi thống nhất: ý thứ tư không có trong sách giáo khoa sẽ gây khó cho thí sinh. Cuối cùng câu hỏi đó không đưa vào đề thi.

“Hỏi thì dễ, trả lời câu ấy thế nào mới khó - vị giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) giải thích - Giáo viên luôn tìm câu trả lời hay nhất, đúng nhất cho từng câu hỏi trong đề thi”. Trong quá trình làm các câu hỏi và đáp án, vị giảng viên này cho rằng quan trọng nhất là phải có được sự thống nhất giữa những người làm đề. Giáo viên từ nhiều địa phương khác nhau cũng phải thống nhất về tinh thần làm việc. “Tuy vậy cũng có lúc không thống nhất được. Có lúc cãi nhau đến đỏ mặt ý của ông thế này thế kia. Ý tôi thế này, ông hiểu sai quan điểm của tôi”. Nhưng nửa đêm khi tĩnh tâm lại, bên tách trà, một ông giáo sư nhẹ giọng: “Thôi, đó cũng là công việc chung. Tôi đồng ý bỏ qua câu này”. Rồi hai người lại vui vẻ với nhau.

“Giáo viên ra đề luôn ý thức đề thi là sản phẩm của một quá trình làm việc tập thể, một ý thức chung về trách nhiệm quốc gia chứ không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân. Bộ GD-ĐT rất tôn trọng về mặt chuyên môn trong đề thi. Bộ coi những người ra đề là những nhà khoa học, đang làm việc với trách nhiệm quốc gia, tình cảm với thế hệ trẻ...” - vị giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định.

Sau một tuần soạn đề, Bộ GD-ĐT sẽ mời giáo viên đến...đóng vai thí sinh làm thử để kiểm tra sai sót, độ khó dễ. Những giáo viên này cũng bị “nhốt” như người làm đề. Kỳ sau sẽ là câu chuyện những người phản biện đề thi phát hiện chi tiết kích thước dây điện trong đề thi to bằng ống nước, hay chuyện giáo viên phản biện giải đề được điểm...dưới trung bình.

HÀ BÌNH - NGỌC HÀ

TIN KHÁC

Video

Bản đồ