Nguyện vọng

»

Thời điểm quyết định với 500.000 thí sinh đỗ đại học

 Thời điểm quyết định với 500.000 thí sinh đỗ đại học


 
 

ANTĐ - Với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH là 15 điểm, gần 200.000 thí sinh đã mất cơ hội xét tuyển vào các trường lấy kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Tuy nhiên, hơn 500.000 thí sinh còn lại vẫn phải cạnh tranh bởi chỉ có 400.000 suất vào đại học.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Chỉ có 400.000 chỉ tiêu cho hơn 500.000 thí sinh dự tuyển ĐH 2015
 
Phân biệt 4 loại điểm để xét tuyển ĐH

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm nay vào khoảng 400.000. Trong đó,  khoảng 350.000 chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển và khoảng 50.000 chỉ tiêu dành cho các trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT. Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thì trong tổng số 726.693 thí sinh dự thi THPT quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ, chỉ có 531.182 thí sinh đạt 15 điểm trở lên.  Còn lại, gần 200.000 thí sinh không đạt ngưỡng để xét tuyển vào các trường đại học.

Như vậy, số thí sinh vượt ngưỡng của Bộ sẽ phải tiếp tục cạnh tranh vì chỉ tiêu vẫn ít hơn số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển. Ở đây, điều kiện không chỉ là thí sinh đạt điểm cao mới đỗ mà là thí sinh phải lựa chọn ngành nào phù hợp vì theo nhận định của các chuyên gia, khả năng thí sinh điểm cao nhưng lại trượt đại học hoàn toàn có thể xảy ra.

Để tránh rơi vào trường hợp này, ông Trần Văn Nghĩa lưu ý thí sinh phải hiểu rõ 4 loại điểm. Thứ nhất là điểm thi. Thí sinh sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có một giấy chứng nhận dùng để xét tuyển đợt 1 và 3 phiếu dành cho đợt xét tuyển bổ sung. Thứ hai là điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn của Bộ  GD-ĐT), hiển nhiên là thí sinh có điểm thấp hơn điểm sàn thì không được đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ. Thứ ba là điểm thông báo xét tuyển (điểm nhận hồ sơ) do các trường công bố. Cuối cùng là điểm trúng tuyển (điểm chuẩn). Căn cứ vào số lượng hồ sơ và điểm của thí sinh cộng với chỉ tiêu của trường, nhà trường sẽ công bố điểm chuẩn cuối cùng cho thí sinh.

Mỗi trường một ngưỡng khác nhau

Phân tích cơ hội trúng tuyển đại học năm nay của thí sinh, ông Đỗ Thanh Duy, Trưởng phòng Tuyển sinh và công nhận văn bằng - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD- ĐT cho biết, căn cứ để thí sinh tham khảo trước khi đăng ký xét tuyển là mức điểm chuẩn các ngành đào tạo tương ứng khối thi của các em các năm trước. Thí sinh cũng nên tìm hiểu ngành có nguyện vọng học và theo dõi thông tin xét tuyển được cập nhật theo quy định trên website các trường.

Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, trong 20 ngày tới từ 1 đến 20-8 là thời điểm xét tuyển đợt 1, trường sẽ cố gắng cập nhật thông tin 3 ngày một lần, trong đó, thông tin quan trọng là danh sách trúng tuyển tạm thời. Trong thời điểm này, thí sinh lưu ý nhà trường vẫn làm việc vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện hoặc thư bảo đảm, tính từ thời gian ghi trên phong bì. “Thí sinh nên nộp sớm để biết thông tin, chủ động điều chỉnh cho phù hợp vì có thể ngay từ ngày 4-8 trường đã có thông tin sơ bộ về kết quả xét tuyển” - ông Nguyễn Quang Dong đưa ra lời khuyên.

Được biết, đến thời điểm này, một số trường ĐH tốp đầu đã đưa ra ngưỡng xét tuyển của trường. Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, căn cứ vào thống kê số liệu điểm thi kỳ thi THPT quốc gia và điểm chuẩn các năm trước, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển là 6,0 cho tất cả các nhóm ngành và tổ hợp xét tuyển, tương đương với tổng điểm 3 môn là 18 đối với nhóm ngành không có môn chính và 24 đối với nhóm ngành có tính hệ số môn chính (riêng một số chương trình đào tạo quốc tế do trường đối tác cấp bằng yêu cầu ngưỡng điểm xét là 5,5). Bên cạnh điều kiện trên, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 20. 

Trường ĐH Ngoại thương cũng cho biết, trường nhận hồ sơ của thí sinh ở đợt 1 là 22 điểm khối A, 20 điểm cho hai khối A1 và D. Riêng các khối ngành ngôn ngữ điểm nhận hồ sơ là 27 điểm do môn Ngoại ngữ nhân hệ số 2. Điều kiện xét tuyển của trường là thí sinh có điểm trung bình từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở lên. Hạnh kiểm từng năm học THPT từ loại khá trở lên.

TIN KHÁC

Video

Bản đồ