Tin TUYỂN SINH

»

Cách ra đề phân loại thí sinh đại học ở Trung Quốc

 

Cách ra đề phân loại thí sinh đại học ở Trung Quốc

Đây là "nơi thời gian ngưng đọng" - một nhà báo đã nhận xét về kỳ thi Cao khảo ở Trung Quốc như vậy, bởi đề thi luôn rất thú vị, thời sự và có tính phân loại cao.

 

Cách ra đề phân loại thí sinh đại học ở Trung Quốc

Thí sinh làm bài tại hội đồng thi trường đại học Đông Quan, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Kỳ thi Cao khảo, với hơn 9 triệu người tham gia, vừa kết thúc Trung Quốc. Đây là kỳ thi tuyển sinh đại học dành cho học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông ở Trung Quốc, không giới hạn lứa tuổi, được tổ chức vào đầu tháng 6 hàng năm. Đề thi có thể khác nhau tùy theo địa phương, vùng miền nhưng đa phần đều bao gồm các môn Toán, Văn và ngoại ngữ. Ở một số chuyên ngành còn có thêm môn tự chọn như Khoa học xã hội, Chính trị, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Cam go và khắc nghiệt

Đây là kỳ thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình học tập của học sinh Trung Quốc. Do đó, áp lực và căng thẳng luôn đè lên học sinh và các bậc phụ huynh. Việc ôn luyện, chuẩn bị cho hai ngày thi Cao khảo có thể kéo dài cả năm.

Tính chất cam go và khắc nghiệt của kỳ thi năm nay không đổi. Điều này được thể hiện ở mức độ khó của đề thi cũng như sự gắt gao, cẩn thận trong công tác bảo vệ, chống gian lận. Đề thi ở nhiều nơi được đánh giá là hay bởi tính cập nhật và thời sự cũng như khả năng phân loại thí sinh. Đề thi tiêu chuẩn quốc gia số một là một trong số những đề thi như vậy.

"Tại một sự kiện thể thao cấp trường đang diễn ra môn thi cuối với tên gọi "hai con dê qua cầu". Luật thi là ai học sinh đi về phía nhau và gặp ở giữa cầu. Một người được phép đi tiếp, người còn lại phải ngã khỏi cầu. Tuy nhiên, kỳ thi năm nay có hai học sinh đã phá luật, cùng nhau đi qua cầu thành công. Trọng tài cho rằng hành động này là sai luật và gây tranh cãi. Hãy viết một bài văn bày tỏ suy nghĩ của bản thân".

Từ một câu chuyện đơn giản, người ra đề đã xây dựng tình huống và đặt thí sinh vào một hoàn cảnh phải lựa chọn giữa phá luật, trở nên khác biệt để phát triển hay sống trong luật lệ, giống với đa số và dậm chân tại chỗ. Đề thi đòi hỏi thí sinh phải có cái nhìn tinh tế và sắc sảo bởi rõ ràng việc phá luật là sai trái nhưng phá luật để tốt đẹp hơn lại là một câu chuyện khác. Không có đúng sai tuyệt đối trong hoàn cảnh này.

"Nơi ngưng đọng thời gian"

"Hãy viết một bài văn bàn về phong cách ứng xử của người Bắc Kinh. Ví dụ: nên hành xử ra sao khi đến thăm nhà một người bạn". Đây là đề thi của thủ đô Bắc Kinh, thoạt nhìn thì đơn giản nhưng nó có rất nhiều khía cạnh để khai thác. Thí sinh trước hết phải bàn được về phong cách ứng xử của người Bắc Kinh, nhưng quan trọng hơn là mở rộng vấn đề sang việc ứng xử giữa con người với con người.

Đề thi có tính chất thời sự và giáo dục cao bởi thói vô tâm, cư xử vô tình, lạnh lùng đang là một vấn nạn làm đau đầu các nhà quản lý xã hội ở Trung Quốc. Bàn về ứng xử của một nhóm người để cảnh tỉnh về cách ứng xử của xã hội dường như là dụng ý của đề thi này.

Đề thi của thành phố Thiên Tân lại vẽ ra một viễn cảnh khá tuyệt. "Tưởng tượng một ngày bộ óc con người được cấy một siêu chip thông minh giúp cho ngay cả một bà lão cũng có thể am hiểu tường tận mọi vấn đề, lĩnh vực trong cuộc sống. Không ai còn cần phải học tập. Hãy bày tỏ suy nghĩ của bạn về vấn đề này".

"Am hiểu tường tận mọi vấn đề" mà không cần phải học là điều mà rất nhiều người ao ước. Không còn những kỳ thi Cao khảo vất vả, không còn những đêm dài phải thức trắng học bài. Công nghệ thật sự đã mang đến một cuộc sống trong mơ cho con người.

Nếu chỉ dừng lại nhìn nhận vấn đề ở đây, nhiều thí sinh đã mắc bẫy của người ra đề. Mọi vấn đề trong cuộc sống luôn có hai mặt. Bàn về hai mặt tốt xấu này chính là yêu cầu thật sự của đề thi. Một xã hội ai cũng có siêu chip trong mình, ai cũng như ai, không cần đổ mồ hôi, nỗ lực để có được hiểu biết thật sự là một cuộc sống quá nhàm chán và không có động lực.

Tỉnh Liêu Ninh lại đặt thí sinh vào giải quyết một câu hỏi lớn từ muôn đời nhưng cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay khi mà khoa học công nghệ phát triển với tốc độ vượt bậc đã kéo các thế hệ ngày càng xa nhau.

"Một buổi tối, ông và cháu cùng nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh sáng điện lung linh soi rọi khắp nơi trông như bảy sắc cầu vồng. Người cháu trầm trồ: "Thật là đẹp, nếu không có điện, công nghệ hiện đại, những tòa nhà cao tầng sẽ không bao giờ có được khung cảnh tuyệt vời này". Người ông thì lắc đầu và nói: "Thật là đáng tiếc, bầu trời đêm đầy sao lấp lánh sẽ không bao giờ được nhìn thấy nữa. Những người cổ đại sử dụng lửa để thắp sáng, sống trong các hang động, hằng đêm ngắm nhìn trăng sao, cảnh sắc đó còn tuyệt vời gấp nhiều lần"". Bày tỏ quan điểm của bạn.

Đề thi chạm vào một vấn đề không hề mới, đó là khoảng cách thế hệ, nhưng lúc nào cũng nóng. Không chỉ trong Cao khảo, câu hỏi này được đặt ra lần nhiều lần ở nhiều kỳ thi tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Đề thi cho thấy mức độ suy nghĩ sâu sắc cũng như kỹ năng nghị luận của thí sinh. Vấn đề này không có một câu trả lời chung, đào sâu đến đâu, khai thác vấn đề ở những khía cạnh nào phụ thuộc hoàn toàn vào góc nhìn và khả năng của người thi. Đề thi cung cấp rất nhiều đất để ngòi bút của học sinh được tự do bay nhảy.

Đây là bốn trong rất nhiều đề thi có tính chất sàng lọc và phân loại trong kỳ thi Cao khảo của Trung Quốc. Để vượt qua những bài thi cam go này, thí sinh phải thật sự nghiêm túc, đầu tư thời gian, học tập và nỗ lực hết mình. Chính vì vậy, Cao khảo luôn được đánh giá là kỳ thi uy tín bậc nhất, như một nhà báo từng nhận định đây là "nơi thời gian ngưng đọng". 

Theo VnExpress

 

TIN KHÁC

Video

Bản đồ