Hướngnghiệp
»
Mùa thi và quyền chọn trường
Mùa thi và quyền chọn trường
Ở Việt Nam, người ta thường gọi thời gian tuyển sinh đại học là mùa thi. Đừng nói rằng những người lớn tuổi có con đã qua mùa thi không còn chộn rộn, con ruột có thi đại học xong vẫn còn đó các thế hệ con cháu đang vào mùa quan trọng nhất của đời người.
Ở tầm lớn hơn, mùa thi là mùa mà mỗi người Việt Nam chia sẻ niềm vui, nỗi buồn về hệ thống thi cử và hiện trạng giáo dục đại học của quốc gia.
Từ hàng vạn gia đình có con vào mùa thi đại học, thường xảy ra việc phụ huynh luôn giành quyền trực tiếp can thiệp vào chuyện chọn trường đại học cho con. Không ít gia đình bùng nổ tranh luận giữa thí sinh và các bậc phụ huynh quanh việc chọn trường, chọn ngành học, đôi khi việc này còn kéo theo cả ông bà, dòng họ.
Chuyện can thiệp xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm phụ huynh, thói quen lâu đời của người Việt, nhưng đã đến lúc thói quen đó cần thay đổi để không lẫn lộn giữa bổn phận tư vấn và giành quyền quyết định của thí sinh.
Có thể nói không khiên cưỡng là mỗi mùa thi đại học luôn lồng ghép một mùa "tự sướng" của các bậc phụ huynh và người trưởng thượng của thí sinh. Ở xứ ta, hiện nay có biết bao nhiêu thí sinh rơi vào bi kịch chọn ngành đại học chỉ để làm tròn bổn phận là con, cháu người kế tục cơ nghiệp dòng tộc...
Có những trí thức từ cửa trường thi đại học đã "phản bội" chính đam mê, chính sở học, chính tài năng thật có của mình để cam chịu cảnh tự "bỏ tù" mình trong cái "nhà tù" bổn phận nhỏ hẹp của gia đình. Cái tập tính cổ hủ quyết định thay cho con cháu chọn trường đại học, điều đó không khác gì tệ nạn lãng phí tinh hoa trí thức và nguyên khí dân tộc.
Không riêng gì ở Việt Nam, trong phạm vi châu Á, kể cả những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... mỗi mùa thi đều có thí sinh tự tử hoặc phát bệnh tâm thần. Người ta cho rằng đó là do áp lực học tập quá ghê gớm và việc chạy đua khốc liệt vào các trường danh tiếng là nguyên nhân.
Nhưng nguyên nhân không chỉ là do các thí sinh đó ước vọng quá khả năng của mình, mà phải kể tới trách nhiệm của người lớn đã đặt để tham vọng gia đình, dòng họ lên thí sinh vượt quá sức gánh vác.
Quyền tự do chọn trường và định đoạt tương lai là của thí sinh. Quyền đó, không phải được hiểu như một khẩu hiệu, cũng không phải là chuyện người lớn và các bậc phụ huynh đồng tình hay cho phép, mà là ý thức thường trực của những người trưởng thành văn minh.
Mỗi thí sinh vào mùa thi đại học, bên cạnh khối trí thức lớn mà mình cần trang bị, việc làm sáng cho mình ý thức không phản bội bản thân mình, tự quyết trường mình sẽ học, cổng trí thức mình sẽ vào trong tương lai.
Việc tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm về quyết định hệ trọng đó, được ví như chính thí sinh là thuyền trưởng đưa con tàu đời mình vào bến đậu thành công.
Ai đã từng trải qua những mùa thi đại học đều biết, chuyện đậu rớt trong một lần thi hay nhiều lần thi, không hề quan trọng bằng chuyện toàn quyền chọn trí thức ngành học để mở cửa chính bản thân, nâng đời mình đến tầm thoả chí.
Trần Tiến Dũng – TGTT
Nguồn: motthegioi.vn
TIN KHÁC
- » Chiến thắng trong buổi phỏng vấn với "chiếc chìa khóa vàng"
- » Sinh viên sắp ra trường và câu chuyện con đường tương lai màu gì?
- » Nữ phi công trẻ nhất Việt Nam: Én nhỏ trên trời cao
- » Giảng đường - Công sở
- » Cuộc sống không phải là chiếc vé máy bay khứ hồi
- » Sống với đam mê
- » Bài học chọn nghề vào đời
- » Ước vọng lập nghiệp
- » Giúp bạn chọn được trường đại học lý tưởng
- » Chọn sai ngành chưa hẳn đã cùng đường
- » Có nhiều lối vào đời
- » Trượt đại học - Đời còn nhiều đường
- » Học tốt khối C để trở thành nhà báo
- » Tôi quyết tâm học để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ