Hướngnghiệp

»

Giảng đường - Công sở

 Giảng đường - Công sở

Bạn đã bao giờ “sốc” khi vừa mới tốt nghiệp đại học chưa? Điều tôi muốn chia sẽ cùng các bạn chính là nó đấy. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường ai trong chúng ta cũng đinh ninh rằng việc học sẽ mang lại cho mình công việc tốt nếu có tấm bằng khá đại học, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy.

2013 là năm khủng hoảng kinh tế trầm trọng và đã đem lại ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam với sự rút về nước của rất nghiều các nhà đầu tư nước ngoài, cắt giảm biên chế nhân viên, sự đóng cửa hàng loạt của rất nhiều công ty lớn và nhỏ. Mức lãi suất ngân hàng sụt giảm với tốc độ chóng mặt từ 14% xuống còn 6.5%. Tôi đã ra trường trong hoàn cảnh như thế.
 
 
Sau hàng loạt các thủ tục công chứng giấy tờ, bằng cấp và CV xin việc, cũng như bao sinh viên mới tốt nghiệp khác. Tôi nộp đơn vào hầu như tất cả các công ty tuyển dụng những vị trí phù hợp với ngành học của mình. Sự khó khăn liền bắt đầu từ đây. 
 
Trong thời buổi kinh tế hiện nay tỉ lệ người thất nghiệp rất nhiều, ngay cả những nhân viên đã đi làm cũng có khả năng bị sa thải. Các công ty chỉ tuyển những người đã có kinh nghiệm hay sở hữu kỹ năng mềm xuất sắc với mục đích sử dụng chi phí thấp nhất mà lại có những lao động giỏi nhất. Trong trường hợp đó, công việc được tuyển dụng nhiều nhất cho ngành Quản trị Kinh doanh chính là Nhân viên kinh doanh. 
 
Nói thì nghe to tát vậy thôi nhưng trên thực tế công việc của nhân viên kinh doanh không hề đơn giản, dễ dàng như bạn nghĩ. Tôi từng nghe một chủ doanh nghiệp nói rằng: “Không có viêc gì làm thì mới đi làm nhân viên kinh doanh”. Công việc đầu tiên khi bạn bắt đầu làm chính là tìm kiếm khách hàng. Nghe rất đơn giản và dễ hiểu đúng không? Bạn cần lên mạng tìm kiếm danh sách những khách hàng tiềm năng cho công ty (chú ý là khách hàng này bạn hoàn toàn phải tự tìm kiếm mà chẳng có chút xíu quan hệ nào với họ cả), sau đó goi điện thoại đến công ty hay doanh nghiệp đó để xin gặp người có quyền quyết định nhằm giới thiệu sản phẩm. 
 
Và khó khăn đầu tiên xuất hiện, khi gọi điện thoại đến các doanh nghiệp người đầu tiên bạn gặp sẽ là nhân viên lễ tần mà không phải chủ doanh nghiệp. Vậy câu hỏi đặt ra là: Bạn phải làm gì để thuyết phục họ và gặp được người có quyền quyết định trong công ty?
 
Người trả lời điện thoại của một công ty thường là lễ tân. Trong trường hợp này bạn có thể hỏi được một số thông tin cơ bản về khách hàng qua họ nhưng việc xin gặp người có quyền quyết định thì không dễ tí nào. Họ có thể trả lời bạn một cách lịch sự rằng họ “đang họp”, hoặc yêu cầu bạn gọi lại vào một dịp khác, nhưng trong một số trường hợp tệ hơn rất có thể bạn sẽ phải nghe một số lời lẽ khá gay gắt. Nhưng “khách hàng là thượng đế”, cho nên bạn cần và bắt buộc phải luôn vui vẻ và lịch sự dù trong trường hợp nào đi nữa.
 
Khi đặt được một cuộc hẹn trực tiếp, bạn cần đến tận nơi để giới thiệu và demo sản phẩm cho khách hàng, giải đáp mọi thắc mắc của họ về sản phẩm của mình. Bạn phải có cách cư xử khéo léo, tạo sự hứng thú từ phía khách hàng, dẫn đường họ đi đến quyết định mua sản phẩm. Đó chỉ là những bước cơ bản mà thôi, điều quan trọng nhất là việc bạn có thể làm cho khách hàng đặt bút ký vào hợp đồng mua sản phẩm hay không và việc này phụ thuộc và rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. 
 
Ví dụ, bạn hẹn gặp khách hàng vào một ngày nắng đẹp, nhưng khi bạn đến địa điểm thì trời lại mưa. Bạn bị ướt sũng khi đến công ty của họ, vậy là tất cả những cố gắng về hình ảnh đầu tiên bạn dành cho khách hàng đã bị đánh chiết khấu mất rồi. 
 
Quần áo ướt và cảm giác mới lạ thường khiến bạn không tự tin, điều này khiến buổi demo sản phẩm của bạn không đạt hiệu quả như mong muốn. Bạn phải ra về mà không có được sự hài lòng từ khách hàng, dồng nghĩa với việc bạn chẳng kí được hợp đồng nào cả. Trở về công ty với tâm trạng buồn và thất vọng, bạn lại phải đối mặt với những chất vấn từ trưởng phòng hay các sếp về hiệu quả công việc, lý do tại sao bạn không ký được hợp đồng. Sau đó họ sẽ mịt mờ nhắc khéo bạn về chỉ tiêu hay doanh số trong tuần, tháng hoặc nói thẳng thừng và cảnh cáo việc bạn sẽ bị cho thôi việc nếu không đạt đủ chỉ tiêu.
 
Hãy luôn nhớ rằng dù bạn có khả năng xuất sắc đến mấy trong ngôn ngữ hay việc bán hàng cũng không thể quyết định việc luôn ký được 100% hợp đồng khi gặp được khách hàng. Điều này còn phụ thuộc vào yếu tố tài chính của họ hay những kế hoạch tương lai của họ có cần các sản phẩm của bạn hay không. Nên chuẩn bị sẵn sàng cho việc, gặp 30 khách hàng thì cũng chỉ có 1, 2 người có hứng thú với sản phẩm của bạn mà thôi.
 
Mỗi ngày bạn đều tất bật với những cuộc điện thoại tư vấn, xin lịch gặp khách hàng, sau đó rong ruổi trên khắp các con đường trong thành phố. Khách hàng của bạn có thể ở bất cứ nơi nào, bạn không thể chê họ ở xa hay địa chỉ khó tìm được, vì đó là công việc của bạn mà. Ngày nào bạn cũng trải qua công việc lặp đi lặp lại như thế, mệt mỏi và vất vả (tôi hoàn toàn không phóng đại đâu nhé, cứ tưởng tượng mỗi ngày bạn phải đi từ 50-60 cây số/ ngày xem) nhưng kết quả hoàn toàn không được khả quan như bạn nghĩ. 
 
Báo cáo hàng ngày của bạn tràn ngập các lý do như: không đủ tài chính, không muốn tăng thêm chi phí hay tương tự như thế từ phía khách hàng. Đây hoàn toàn không phải lỗi của bạn, nhưng cấp trên sẽ không nghĩ như vậy đâu. Dù có lý do gì đi nữa thì công việc của bạn là đem hợp đồng về, nếu không bạn hoàn toàn chẳng có giá trị sử dụng gì cho công ty cả. Họ tuyển bạn với mục đích đó mà, sau đó bạn sẽ bí quá hóa liều, vận dụng tất cả các mối quan hệ của bạn để bán hàng cho đủ chỉ tiêu bằng bất cứ giá nào. Tôi sẽ đặt ra cho bạn một cầu hỏi nữa
 
Bạn có bao nhiêu mối quan hệ để bán hàng và có thể duy trì việc này trong bao lâu?
 
Thật dễ hiểu đúng không? Bạn không thể chỉ dựa vào các mối quan hệ hay quen biết để làm điều này. Cuối cùng, khi bạn không thể tìm ra cách nào để bán hàng thì tất nhiên: Bạn bị sa thải
 
Đến đây, chúng ta hãy cùng tính xem bạn đã làm được gì và nhận được gì từ công việc. Mức lương thử việc thường nằm trong khoang từ 2 triệu -3 triệu với trình độ đại học, không phụ cấp ăn trưa và xăng xe. Mỗi ngày bạn mất 25.000 - 30.000 tiền ăn trưa và khoảng 40.000 tiền xăng đi gặp khách hàng (trong trường hợp bạn dùng xe số). Sau một tháng bạn cần chi khoảng 1,8 triệu. Sau đó trừ di tiền điện thoại và internet khoảng 600k/tháng.
 
Số tiền bạn phải chi là 2,4 triệu cho công việc. Vậy bạn còn lại bao nhiêu? Âm 400.000 nều lương bạn 2 triệu, dư 600.000 nếu bạn được 3 triệu. Nghe cũng không tệ lắm. Nhưng chi phí sinh hoạt của bạn thì hoàn toàn không đủ chi trả, bạn lấy đâu ra tiền để trả tiền nhà, điện nước, ăn tối, khám chữa bệnh trong khi thu nhập của bạn hoàn toàn chỉ đủ trả tiền cho công việc.
 
Vậy đó, bạn thất bại hoàn toàn và lại phải tiếp tục công cuộc tìm việc mới. Vấn đề ở đây là, công việc mới của bạn có khác và đem lại lợi ích cho bạn nhiều hơn không? Không hề dễ dàng đâu bạn à, hiện nay các công ty đều lẫn lộn việc tìm kiếm khách hàng mới cho cả bộ phận sale hay marketing, mà gần đây thì đến bộ phận hành chính cũng có cả mục này. Nghĩa là dù bạn có xin công việc gì đi nữa thì mức phí bạn phải chi trả cho công việc vẫn là giống nhau, yêu cầu chỉ tiêu hay doanh số cũng vậy. Bạn vẫn sẽ bị quấn vào vòng luẩn quẩn của việc thu chi không đồng đều cùng nguy cơ thất nghiệp sau 1-2 tháng đi làm ở công ty mới. Đấy là chưa kể có 1 số công ty không trả lương cho nhân viên nếu tháng thử việc đầu tiên không đạt đủ chỉ tiêu đề ra. Bạn sẽ phải ra đi mà chẳng có chút xíu trợ cấp nào cho chi phí một tháng bạn bỏ ra để làm việc.
 
Nói đến đây thì chắc bạn hiểu cảm giác sốc khi mới đi làm rồi đúng không? Tôi khẳng định rằng không phải bất cứ công ty nào cũng hoạt động theo kiểu đó nhưng số công ty hoạt động kiểu này cũng phải chiếm từ 70-80% các công ty trên thị trường. Bạn mới tốt nghiệp và không thể biết rằng công ty mình nộp đơn xin vào có thuộc loại hình này hay không. Và cái giá bạn phải trả là sự bàng hoàng và ngỡ ngàng khi nhận quyết định cho thôi việc, hoặc chính bạn bỏ cuộc trước khi họ kịp gửi quyết định xuống cho bạn. Thế giới thật đáng sợ đúng không.
 
Lời khuyên của tôi cho các bạn là: 
 
- Hãy tìm hiều thật kĩ nội dung công việc, cách thức hoạt động của công ty cũng như chế độ đãi ngộ bạn nhận được trước khi nộp đơn xin việc.
 
- Đặc biệt chú trọng và hỏi thật kỹ các vấn đề này trong buổi phỏng vấn thứ 2 của bạn nhé. Nên nhớ bạn không có cơ hội để làm điều này lần thứ 2 đâu.
 
- Ngoài ra, các bạn cũng nên tìm hiểu kĩ xem khả năng chịu đựng cũng như tính cách của mình có thực sự phù hợp với công việc hay không? Vì công việc trong thực tế hoàn toàn khác xa với tưởng tưởng tượng của bạn. 
 
- Lời khuyên chân thành của tôi là bạn nên lựa chọn công việc phù hợp nhất với tính cách và một phần sở thích của mình. Vì không phải cứ cố gắng ép mình đi thích nghi với công việc là có thể đem lại hiệu quả tốt đâu. Chỉ khi bạn có hứng thú thì mới có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân. Việc cố ép bản thân sẽ khiến bạn héo mòn về ý tưởng và mài dần sự kiên nhẫn của bạn cho đến khi chúng đứt “phựt”, hoặc đồng hóa bạn trở thành những robot máy biết đi không có linh hồn.
 
Mỗi người đều có những quyết định và hướng đi cho riêng mình trong cuộc sống. Chúng ta là người phải chịu trách nhiệm cho hành dộng động của mình dù kết quả là tốt hay xấu. Các bạn trẻ của tôi, những con người tràn đầy lý tưởng, niềm tin vào tương lai và cuộc sống, hãy luôn cân nhắc trong từng quyết định trên mỗi bước đường bạn đi để giảm bớt những vấp ngã trong cuộc đời. Nói thật là mùi vị thất bại không hề dễ dàng khi hưởng thụ đâu.
 
Chúc cho tôi và các bạn, chúc chúng ta tìm được chính xác con đường mình cần đi và có đủ kiên nhẫn cũng như may mắn để đi hết con đường đó. Bất cứ khi nào bạn gặp khó khăn, hãy luôn nhớ rằng, bạn còn có gia định và bạn bè xung quanh. Đây chỉ là khởi đầu và có cả con đường dài phía trước bạn cần đi, chúng ta sẽ gặp gỡ rất nhiều điều mà bạn không biết và cần học hỏi. Khi đó hãy tự cho phép mình nghỉ ngơi một lát, sắp xếp lại các suy nghĩ cũng như kế hoạch để tìm ra phương pháp chính xác nhất giúp bạn vượt qua khó khăn. Cuộc sống chính là như thế đấy, có hàng tỷ người cũng giống như chính bạn, và chúng ta là một phần của xã hội này. Hãy tìm cách thức để có thể sống một cách vui vẻ mà vẫn đem lại những giá trị tốt đẹp cả về vật chất và tinh thần cho chính bạn và những người xung quanh.
 
Cú “sốc” này biết đâu lại là bàn đạp để bạn trưởng thành hơn rất nhiều lần, luyện cho bạn có trái tim bằng thép và sức chịu đựng sánh ngang platinum. 

Trích từ bài viết: "Sau những cánh của ước mơ đóng kín"
Nguồn: ttvn.vn
 

Video

Bản đồ