Hướngnghiệp

»

Học tốt khối C để trở thành nhà báo

 

Học tốt khối C để trở thành nhà báo

Tôi biết hạnh phúc nhất trong cuộc đời là sở hữu một niềm đam mê.

 Tất cả buổi tối trong tuần, sau khi đã chuẩn bị sách vở cho ngày mai tôi đều dành thời gian ôn tập hai môn đó là lịch sử và địa lý. Môn văn học được tôi ưu tiên hơn nên dành thời gian học từ 11h đêm đến 1-2h sáng, và cũng hầu như chẳng bao giờ tôi đi ngủ trước 2h.

Chẳng biết tự bao giờ, khi nghe hai tiếng nhà văn, nhà thơ, nhà báo, lòng tôi lại thấy lâng lâng khó tả, nghe như một cái gì đó trân trọng đến thiêng liêng. Từ thủa nhỏ, khi đọc dòng thơ, trang sách tôi rất ngưỡng mộ tác giả đã viết lên những trang sách ấy. Nhất là sau cuối mỗi bài viết bao giờ cũng dành nguyên một góc ngay ngắn để ghi tên tác giả.

Tôi vẫn ước ao giá như một ngày nào đó tên mình cũng được trân trọng in trên mặt báo bằng những dòng chữ nghiêng nghiêng như thế. Và cũng từ những suy nghĩ mơ hồ, ngắn ngủi không vào đâu của thời trẻ con ấy tôi đã thích đọc văn, đọc thơ từ lúc nào không biết nữa.

Những trang văn, trang thơ cũng ít nhiều được đọng lại trong trí nhớ, tâm hồn non nớt trẻ thơ của tôi, làm tôi thêm yêu cuộc sống, yêu con người và cũng thêm yêu đất nước. Tôi yêu những câu hát ầu ơ của mẹ, yêu lũy tre làng và cả những ánh trăng khuya.

Tình yêu ấy dần lớn cùng tôi theo năm tháng, tuổi thơ tôi cũng qua đi mang theo cả ước muốn mơ hồ, nông nổi là được ghi tên mình vào những trang sách. Tôi bước vào học cấp 3 đầy lạ lẫm, trở thành một tràng trai đa tình và mơ mộng, luôn mang bên mình một vài tập sách văn, thơ bỏ túi nho nhỏ của nhiều tác giả khác nhau như: Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử đến Ngô Tất Tố, Nam Cao... đặc biệt là những dòng thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Mặt trời chân lý chói qua tim”.

Nó như một chùm sáng lóe lên trong đầu tôi, thôi thúc tôi phải hành động. Cũng từ đây tôi ý thức được việc học và thi luôn gắn liền với nhau không thể tách rời, và để bước chân được vào giảng đường đại học thì không có con đường nào khác ngoài việc chăm chỉ học tập, tu dưỡng bản thân. Tôi đã cố gắng học tập, miệt mài nâng cao, trau dồi kiến thức, xây dựng một kế hoạch cho tương lai, nhằm thực hiện mơ ước.

Bắt đầu là việc lựa chọn cho mình một khối thi, điều này thì tôi đã sáng suốt lựa chọn cho mình một cách nhanh chóng, vì yêu môn văn, lại sẵn có đôi chút tâm hồn mơ mộng, bay bổng nên khối C đã được tôi lựa chọn và chấm lên hàng đầu. Tôi tự lập cho mình một thời khóa biểu riêng cho việc ôn tập, rèn luyện tất cả môn trong khối mà với tôi được coi là khoa học, hợp lý nhất.

a-532774-1371230360_500x0.jpg

Tất cả buổi sáng tôi vẫn phải đến trường để học các môn văn hóa theo chương trình giáo dục, còn vào các buổi chiều rảnh rỗi tôi tranh thủ mang sách ra đọc lại những bài trên lớp đã học, vừa để đảm bảo bài vở, kiến thức đã học. Nhưng cũng để dành thêm thời gian cho buổi tối tập trung vào ôn tập cho khối thi đại học của mình.

Ba môn thi ấy tôi cũng sắp xếp thời khóa biểu riêng để tiện cho việc ôn tập và nắm bắt tốt kiến thức. Tất cả buổi tối trong tuần, sau khi đã chuẩn bị xong sách vở cho ngày mai tôi đều dành thời gian ôn tập hai môn học đó là lịch sử và địa lý. Môn văn học được tôi ưu tiên hơn nên tôi đã dành thời gian học từ 11h đêm đến 1-2h sáng, và cũng hầu như chẳng bao giờ tôi đi ngủ trước 2h.

Thời gian cứ như vậy kéo dài suốt 3 năm học phổ thông của tôi, và cả những ngày hè tôi vẫn miệt mài học tập, ôn luyện chứ không nghỉ ngơi xả hơi, du lịch picnic như bao bạn bè cùng lớp. Trong suốt 3 năm ấy không một cuốn sách đề thi tuyển sinh đại học khối C nào là tôi không sờ đến. Và cuốn nào cũng vậy tôi đều thuộc làu làu cả.

Tôi có thể nhớ tất cả số trang, số dòng của một câu nào đó trong cuốn sách. Thấy vẫn còn chưa đủ tôi còn tìm hiểu thêm sách, báo và những tài liệu có liên quan đến chương trình học tập của mình để tham khảo. Vậy nên năm nào tôi cũng được vinh dự nằm trong tốp những học sinh giỏi của trường, đại diện đi thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và thành phố. Và cũng đã mang được vinh dự về cho bản thân, gia đình và ngôi trường nơi tôi học tập.

Đối với môn lịch sử tôi có thể nhớ như in tất cả mốc thời gian, các trận đánh, các cuộc khởi nghĩa từ Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền... và cả người cầm quân, lãnh đạo như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ... Các phương pháp, chiến thuật và cả sự tiêu hao lực lượng, vũ khí, khí tài của cả quân ta và quân địch trong các chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 với thực dân Pháp, hay chiến dịch Mậu Thân 1968 với Mỹ, cả những ngày, giờ giây phút nhân dân ta huy hoàng chuyển mình trong lịch sử, thắng lợi đàm phán trong hiệp định Giơnevơ, ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng...

Riêng môn địa lý tôi có thể vẽ bất cứ bản đồ nào kể cả đất đai, tài nguyên, khoáng sản, không những vậy tôi còn có thể hiểu và phân tích được cấu tạo của từng khu vực đất đai, hay tài nguyên thiên nhiên còn ẩn mình trong lòng đất. Nhất là khu vực châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long, hệ thống sông Thái Bình và cả những vùng cao nguyên, đồi núi. Có thể nói thời gian ấy tôi như một nhà địa chất thực thụ chứ không phải một thí sinh sắp sửa tham dự kỳ thi đại học.

t717310-921382-1371230368_500x0.jpg

Phần còn lại là môn văn học vốn tôi đã có sẵn đam mê từ nhỏ nên việc học của tôi cũng không mấy khó khăn cho lắm. Tôi đọc hết cả các thời kỳ văn học từ cổ điển, trung đại cho đến đương đại trong văn học thế giới. Các giai đoạn trong văn học Việt Nam trước 1930; 1930-1945 hay 1945-1975 và cả những bài văn, áng thơ sau những năm 1975 khi đất nước đang trên con đường xây dựng kinh tế, văn hóa.

Tất cả truyện ngắn, bài thơ của các thời kỳ phát triển văn học Việt Nam được tôi lựa chọn, tổng hợp khoa học thành từng phần, từng mảng theo cách của riêng mình làm sao cho thật dễ hiểu, dễ đọc. Và với phương pháp học cuốn chiếu tôi đã nắm rất chắc kiến thức của cả 3 môn học ấy, sẵn sàng cho một kỳ thi đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời mình.

Mùa thi năm ấy, năm 2004 tôi sung sướng khi biết mình đã đậu vào Khoa Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với số điểm khá cao. Bắt đầu từ đây tôi lại có thêm một hành trình chinh phục mới, chinh phục những kiến thức nghề nghiệp để sau khi ra trường có thể áp dụng vào công việc thực tiễn sau này.

Và giờ đây sau bao năm theo học đại học tôi cũng đã tốt nghiệp, ra trường và đang làm việc cho một tờ báo. Công việc phóng viên thật vất vả nhưng cũng đầy thú vị vì tôi có thể đem hiểu biết của mình truyền tải thêm thông tin đến hàng triệu con người trên mọi miền của tổ quốc.

Hơn lúc nào hết tôi luôn ý thức được điều đó, và luôn tự hào về bản thân mình, về sự cố gắng không ngừng của mình. Cho dù cuộc sống vẫn còn nhiều gian nan, vất vả ở phía trước nhưng ít nhiều tôi cũng đã thực hiện được ước mơ nhỏ nhoi, bé bỏng của mình.

Video

Bản đồ