Gia sư môn Lịch sử

»

5 bí quyết học giỏi môn lịch sử

  1. Nắm kỹ giới hạn phần cần học, nhớ kỹ mốc năm tháng từ phần bắt đầu đến kết thúc để tránh nhầm lẫn.

2. Mỗi bài học đọc kỹ một lần rồi làm sơ đồ tia. Ví dụ: chiến tranh cục bộ sẽ bao gồm các nhánh chính là định nghĩa, âm mưu của địch, kế hoạch của ta, diễn biến, kết quả, ý nghĩa. Sau đó từ mỗi nhánh lại làm các tia nhỏ hơn.
Việc học sơ đồ tia hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc học cả trang sách dài loằng ngoằng và một điều nữa là học bằng cách nhìn vào chính chữ mình bao giờ cũng dễ nhớ hơn là nhìn vào chữ in.


3. Các sự kiện lịch sử bao giờ cũng đòi hỏi phải thật chính xác. Vì vậy, các bạn hãy nhớ kỹ bằng cách đính vào mỗi sự kiện (năm tháng xác định) một cột mốc liên quan đến bản thân. Ví dụ như mình, nhớ ngày tháng của sự kiện bằng cách đính vào nó ngày sinh nhật của người thân bạn bè, hay nhớ là ngày đó sau sinh nhật mình 5 ngày chẳng hạn.
Việc này đòi hỏi bạn tìm càng nhiều sự trùng khớp giữa những ngày tháng mà bạn đã nhớ sẵn trong đầu với những sự kiện lịch sử. Việc nhớ các con số (số máy bay bị tiêu diệt hay người chết người bị thương) cũng tương tự. Sau đó, bạn nên làm một bảng thống kê, một bên là cột ngày tháng, một bên là cột sự kiện rất thuận lợi cho việc ôn tập.


4. Kế đó, bạn hãy dành một ngày 20 phút cho một câu hỏi bắt thăm bất kỳ mà bạn tự làm rồi trả lời nếu không trả lời được thì sẽ tự phạt bản thân bằng hình thức nào đó (ví dụ như không trả lời được sẽ không đi shopping chẳng hạn).


5. Một mẹo nhỏ nữa là bạn hãy gắn các tờ giấy ghi sự kiện lên chỗ nào mà bạn hay nhìn thấy nhất (tủ lạnh, cửa sổ, mặt bàn học) để thường xuyên nhìn thấy nó, sẽ giúp ghi nhớ tự nhiên nhất.
Đối với những bạn đã học khối C, vấn đề chỉ là cách làm bài khi đi thi.
Bạn nên đi học ở một lớp học thêm môn sử. Theo kinh nghiệm của mình, các cô giáo dạy sử cấp III của bạn thể nào cũng mở lớp dạy, học cô giáo cấp III kiến thức của bạn sẽ sâu hơn và cẩn thận hơn so với các thầy giáo dạy ĐH.
Thường thì các bạn hay có tâm lý học ôn ở những lớp của thầy cô giáo dạy ngay trong trường ĐH mà mình sẽ thi vào. Nhưng theo tôi, những lớp đó quá đông HS, thầy cô giáo sẽ không kèm sát từng người được. Vả lại, kiến thức sử lớp 12 các thầy ít dùng đến vì trên ĐH, các thầy sẽ giảng dạy một lượng kiến thức khác. 
Các câu hỏi trong đề thi không khó. Thường là hỏi vào thẳng vấn đề nên bạn cũng đừng trả lời lan man mà hãy đi thằng vào câu hỏi. Mỗi đề thì thường có một câu hỏi khó là câu bổ dọc (không theo trình tự trong sách mà bạn phải tự tư duy để tổng hợp lại). Vây, bạn hãy bình tĩnh và đọc thật kỹ câu hỏi ghi chi tiết các sự kiện bạn cho là cần thiết ra nháp để tránh thiếu khi làm bài, sau đó tìm các câu nối, câu lý giải hợp lý để liên kết các sự kiện lại với nhau là được. Đừng quên phải có câu tổng kết khẳng định lại câu trả lời của mình.
Cách viết một bài thi là phải có mở bài, thân bài và kết bài cho mỗi câu. Song ở phần thân bài, khi trình bày các ý phải rõ ràng và mạch lạc. Tốt nhất, nên xuống dòng khi hết mỗi ý. Bài của bạn trình bày sáng sủa cũng đã chiếm được nhiều cảm tình của các giáo viên chấm thi rồi.
Bài viết của bạn sẽ thật hoàn hảo khi cho thêm một chút cảm xúc cá nhân và nhận xét chủ quan (nhưng phải đúng) vào. Như vậy, một điểm 9 sử thi tốt nghiệp và một điểm 8 thi ĐH sẽ nằm trong tầm tay bạn rồi đấy.
Dù dài và khá khó nhưng học lịch sử sẽ giúp bạn hiểu nhiều hơn về dân tộc Việt Nam, về chặng đường khó khăn đầy thử thách để đưa đất nước đi lên được như hôm nay. 
Mình tin rằng, học lịch sử sẽ giúp con người bạn hoàn thiện hơn. Chúc các bạn làm bài thi thật tốt và có niềm yêu thương với một chặng đường dân tộc.
Nguyễn Quỳnh Trang 
(SV năm thứ nhất, Khoa Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội

Video

Bản đồ