Rèn kỹ năng viết văn nghị luận
Cung cấp nền kiến thức
Cô Nguyễn Thị Hà cho rằng, bước đầu tiên, giáo viên nên cung cấp cho học viên kiến thức cơ bản về những vấn đề của xã hội và các tác phẩm văn học trong chương trình.
Đây là điều kiện vô cùng quan trọng cần phải có để giúp học sinh có vốn kiến thức cơ bản vận dụng vào giải quyết các vấn đề trong bài văn nghị luận.
Ví dụ: Các vấn đề xã hội đang quan tâm hiện nay là gì? Thực trạng các vấn đề đó như thế nào? Cách giải quyết vấn đề ấy ra sao?
Hay khi học các tác phẩm văn học trong chương trình, giáo viên cần cung cấp đến học sinh hiểu biết về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, những giá trị về nội dung và nghệ thuật, những nhận xét, đánh giá về tác phẩm.
Nắm vững kiến thức từng kiểu bài nghị luận
Sau khi cung cấp vốn kiến thức cơ bản, cô Hà cho rằng, giáo viên phải đặc biệt chú trọng giúp học sinh những kiến thức về kiểu bài nghị luận cụ thể.
Theo đó, bài văn nghị luận cần chú ý vào hệ thống luận điểm và luận cứ cùng với những yêu cầu như sau:
Các luận điểm, luận cứ phải đảm bảo tính khái quát, tính tiêu biểu, độ chân thật, đúng đắn, toàn diện.
Luận điểm, luận cứ phải gắn bó chặt chẽ thành hệ thống, các luận điểm được xây dựng giống như bộ khung cho các đoạn văn nghị luận xoay quanh hệ thống luận điểm, luận cứ tạo ra tính thống nhất của văn bản. Các luận điểm chở thành cốt lõi của bài văn và là linh hồn của bài văn.
Khi rèn luyện kĩ năng xây dựng luận điểm, luận cứ, giáo viên cần rèn kĩ cho các em cân nhắc đến từng vai trò, vị trí của mỗi luận điểm, đặt chúng trong mối quan hệ tương quan và sắp xếp theo hệ thống, vị trí quan hệ; cách sắp xếp các luận điểm có quan hệ liên quan đến nghệ thuật, bố cục và nghệ thuật lập luận của văn bản.
Luận điểm xuất phát: Luận điểm này thường được dùng làm luận điểm ở phần đặt vấn đề nhằm giới thiệu vấn đề đề cập đến trong bài.
Các luận điểm tiếp theo được mở rộng trình bày ở phần thân bài nhằm giải quyết vấn đề, phát triển ý, triển khai các lập luận mà vấn đề cần được giải quyết.
Luận điểm chính: Được sử dụng ở phần kết thúc vấn đề nhằm khẳng định vấn đề.
Quy trình làm một bài văn nghị luận
Giáo viên nên tạo lập một quy trình làm văn nghị luận cho học viên nhằm khắc phục cách viết lan man, thiếu định hướng.
Cụ thể, để làm bài văn nghị luận học viên cần có bốn bước theo quy trình như tạo lập các văn bản đó là: Tìm hiểu đề, tìm ý, viết nháp và sửa chữa bài. Sau đó tạo lập hoàn chỉnh bài văn, bước cuối cùng kiểm tra bài viết.
Như phần đặt vấn đề đã đề cập trong bài văn nghị luận, hệ thống luận điểm có vai trò lớn, nó như là linh hồn của bài văn. Đây là một vấn đề quan trọng các em phải xác định để tạo lập được trong quá trình tìm hiểu đề, tìm hiểu ý và xây dựng dàn bài.
Để xây dựng được luận điểm sát yêu cầu các em cần bám sát vào nội dung chính để tạo lập luận điểm cho đúng yêu cầu đề bài.
Để tìm kiếm, xác định rõ hệ thống luận điểm để giải quyết một vấn đề, ngay từ thao tác đầu học viên cần xác định được trục cơ bản của bài văn nghị luận; xây dựng hệ thống luận điểm theo phát triển của thời gian hay không gian, theo các mối quan hệ xã hội hay các lĩnh vực khác nhau.
Trả lời được các câu hỏi này là giáo viên đã rèn cho học viên có hướng để hoàn thành luận điểm.
Sau đó, giáo viên rèn học sinh biết cách sử dụng các luận cứ kết hợp tốt giữa các lí lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ những luận điểm trên.
Trình bày luận điểm hợp lý
Tuy nhiên, muốn bài văn hoàn chỉnh, học sinh cần được rèn cách trình bày các luận điểm cho hợp lí.
Giáo viên cần cung cấp cho học viên quy trình cơ bản khi trình bày luận điểm theo phương pháp: Tổng - phân - hợp (3 bước), cụ thể:
Bước 1: Dẫn dắt nêu nội dung của luận điểm (thường được thể hiện ở khâu chủ đề). Bước 2: Dùng các (luận cứ, lí lẽ, dẫn chứng) để phân tích làm sáng tỏ luận điểm. Bước 3: Khái quát, nâng cao luận điểm.
Bố cục của bài văn nghị luận có vai trò quan trọng trong việc thể hiện khả năng nghị luận của người viết. Vì vậy giáo viên cần cung cấp cho học viên yêu cầu bố cục một bài văn nghị luận thông thường đặc biệt là sắp xếp các luận điểm, luận cứ theo một hệ thống logic chặt chẽ.
Tóm lại: Giáo viên muốn học sinh làm tốt văn nghị luận cần rèn cho các em tính chịu khó học tập, tích lũy tri thức để có được một kiến thức văn học phong phú, vững chắc.
Bài văn nghị luận hay vừa phải chinh phục khối óc, vừa chinh phục được trái tim người đọc và phải thấu tình đạt lí, vừa có nội dung tư tưởng cao đẹp lại vừa có tác dụng truyền cảm.
Do vậy, người thầy cần phải có năng lực, phẩm chất và đặc biệt là tình yêu môn văn, tình yêu học trò.
Giáo viên cũng phải luôn đổi mới cách kiểm tra đánh giá, để phát hiện những học viên khá giỏi kịp thời bồi dưỡng. Đặc biệt tìm ra những nguyên nhân học yếu, học kém lập được có kế hoạch và bồi dưỡng đúng đối tượng theo chất lượng môn học.