cảm xúc mùa thi

»

Thầy đã hướng cho tôi vào nghề dạy học

 

Thầy đã hướng cho tôi vào nghề dạy học

Thầy đã hướng cho tôi  vào nghề dạy học

Đầu năm học 1959 -1960, 50 học sinh lớp 7 chúng tôi rất vui mừng khi được biết chúng tôi sẽ được học môn Văn học với thầy Trần Đình Vĩnh, một thầy giáo người cùng làng với đông đảo học sinh lớp tôi. 

Tôi còn nhớ giờ học đầu tiên, khi thầy mới bước vào lớp, cả lớp chúng tôi đã đứng dậy hân hoan vỗ tay rất lớn để chào đón thầy. Thầy tươi cười nói với cả lớp:

- Sau nhiều năm đi dạy ở các huyện xa, đây là năm đầu tiên thầy về dạy ở xã nhà. Làng Cảnh Dương của chúng ta là một trong tám làng văn vật của tỉnh Quảng Bình. Thời kỳ phong kiến làng đã có 2 vị tiến sỹ, 14 vị cử nhân và hơn 100 vị tú tài Hán học.

“Các em phải cố gắng học tập cho thật tốt, thật giỏi để xứng đáng là con em của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, truyền thống học hành, khoa cử” - lời thầy căn dặn chúng tôi trong giờ học đầu tiên ấy đã tạo cho chúng tôi một ấn tượng rất sâu sắc. 

Trong những giờ học sau, hễ lúc nào có điều kiện, thầy đều liên hệ bài học với thực tiễn lịch sử, văn hóa, giáo dục của làng tôi, ví như chuyện về cụ Đỗ Đức Huy trong câu: “Ăn mắm hàm hương nhớ thương ông Cống”; chuyện về ông Đồ Tuất và các câu tục ngữ, ca dao, bài vè nói về nghề đi biển…

Là người cùng làng nên thầy Trần Đình Vĩnh hiểu rõ hoàn cảnh của từng gia đình học sinh. Thầy đến từng nhà các học sinh khó khăn để động viên, khích lệ họ chăm chỉ học hành. 

Tôi cùng với 3 học sinh nhà nghèo nhất lớp được thầy đề nghị lên Ty Giáo dục cấp cho học bổng. Cầm 6 đồng bạc đưa về cho mẹ mua gạo, tôi và mẹ tôi mừng rơi nước mắt.

Thi tốt nghiệp cấp 2, lớp tôi không ai bị rớt. Một số học sinh tiếp tục học lên cấp 3. Riêng tôi, vì nhà nghèo “mẹ góa con côi” nên phải dừng bước. Tôi rất băn khoăn không biết nên ở nhà lao động kiếm sống, hay thi vào một trường chuyên nghiệp. Hiểu được hoàn cảnh của tôi, thầy Vĩnh đã tới nhà nói với mẹ tôi:

“Cháu nó học khá, lại có chí học hành. Chị nên cho cháu thi vào Trường Trung cấp sư phạm. Trường ở ngay thị xã Đồng Hới, giáo sinh con nhà nghèo được cấp học bổng, chị đừng lo lắng quá...”.

Nghe theo lời khuyên của thầy và mẹ tôi, tôi thi vào trường sư phạm. Tốt nghiệp, tôi rời Quảng Bình ra dạy học ở miền núi Việt Bắc. Trong mấy tháng nghỉ hè ở quê, bao giờ tôi cũng tới nhà thăm người thầy giáo mà tôi luôn kính trọng, quý mến. 

Gia đình thầy Trần Đình Vĩnh có 6 người con, nhưng có 3 con bị dị tật từ nhỏ. Thầy cô đã hết lòng chăm lo cho các con có cuộc sống yên lành. Các con của thầy giờ đã có người là tiến sỹ, thạc sỹ, phó giáo sư… 

Từ một giáo viên cấp 2, thầy đã phấn đấu để học lên đại học, trở thành một cán bộ quản lý của ngành Giáo dục, rồi chuyển qua hoạt động ở ngành Tuyên giáo, ở Đài truyền hình HTV. Thầy và gia đình thầy được dân làng rất quý mến và các thế hệ học sinh chúng tôi kính trọng, coi đó là tấm gương mẫu mực để noi theo.

Sau nhiều năm dạy học ở miền núi, rồi được đi học đại học, sau đại học, năm 1978 tôi về dạy môn Văn học dân gian ở Trường ĐHSP Huế. Biết tôi dạy bộ môn có liên quan nhiều đến văn hóa dân tộc, một lần gặp tôi ở quê, thầy Trần Đình Vĩnh đã nói:

- Quảng Bình nói chung và Cảnh Dương quê mình nói riêng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Em nên đi về các làng quê tìm hiểu thực tế, để tích lũy thêm kiến thức mà giảng dạy cho tốt…

Thầy đưa cho tôi xem và sử dụng nhiều tư liệu văn hóa làng mà thầy đã sưu tầm, ghi chép được trong hàng chục năm qua; thầy đưa tôi đi gặp nhiều cụ ông, cụ bà trong làng để nghe họ nói về lịch sử, về văn hóa cổ truyền; thầy đã cho phép tôi cùng với thầy viết cuốn “Cảnh Dương chí lược” (xuất bản năm 1993) trong buổi đầu tôi mới chập chững đứng trên bục giảng của trường đại học… 

Sự động viên, khích lệ và những ưu ái thiết thực mà thầy Trần Đình Vĩnh dành cho tôi đã giúp tôi ngày càng mạnh dạn và trưởng thành hơn trong nghề nghiệp. 

Đến nay, tôi đã có hàng chục bài viết về văn hóa làng đăng trên các tạp chí khoa học, có gần 10 đầu sách đã xuất bản, trong đó có các cuốn viết về quê nhà như: “Quảng Bình thắng cảnh và văn hóa” (xuất bản năm 2007), “Ẩm thực vùng ven biển Quảng Bình” (xuất bản năm 2011), “Sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền làng biển Cảnh Dương” (xuất bản năm 2010)…

Giờ đây thầy Trần Đình Vĩnh đã khuất núi. Nhưng cứ mỗi lần giở lại trang lưu niệm thầy ghi cho tôi năm tôi học lớp 7 và những tư liệu văn hóa mà thầy đã để lại cùng những lời thầy dạy dỗ, chỉ bảo cho tôi trong cuộc sống, trong tôi bao giờ cũng dâng lên lòng nhớ thương và biết ơn thầy vô hạn.

TIN KHÁC

Video

Bản đồ