cảm xúc mùa thi
»
Không tin nổi việc mình trượt đại học
Trong gia đình tôi không ai nghi ngờ chuyện tôi đỗ đại học. Vậy mà tôi trượt, tôi chính thức trượt. Tôi sốc, đứa con gái 18 tuổi lần đầu tiên trong đời biết đến sự đắng cay của thất bại.
“Con trượt rồi”, bố nói với tôi, chị gái tôi gọi điện báo tin cho bố. Đó là ngày 28/7/2003, đã hơn 8 năm rồi nhưng tôi vẫn không thể quên hình ảnh nụ cười gượng gạo đầy chua xót của bố lúc đó. Tôi sững người, choáng váng như không thể tin vào tai mình, thế giới như sụp đổ. Tôi không thể tin nổi tại sao mình có thể trượt.
Tôi không có thói quen xem đáp án sau mỗi bài thi cho đến khi biết điểm, nên vẫn không chuẩn bị trước tinh thần rằng sẽ trượt. Tôi 12 năm liền là học sinh suất sắc, một học sinh luôn đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh các môn tự nhiên ở điểm gần tuyệt đối.
Tôi, năm lớp 12 đã được lựa chọn vào đội tuyển Vật lý đi thi quốc gia, nhưng vì lựa chọn nếu mình đầu tư cho một môn nhiều quá, lỡ không được giải, mà lại ảnh hưởng đến kỳ thi đại học, rồi cũng vì gia đình lúc đó neo người, mẹ tôi ở xa, nên tôi quyết định không vào đội tuyển nữa mà ở lại lớp học bình thường.
Tôi, một người chưa từng thất bại trong các cuộc thi, luôn giành chiến thắng trong các môn thi trí tuệ, cờ vua, cờ tướng, thậm chí cả các giải thể thao như cầu lông, bơi. Lúc nào cũng tự tin với sự thông mình của mình, kỳ thi đại học với tôi chỉ là một kỳ thi bình thường như bao kỳ thi khác.
Trong gia đình tôi, cũng không ai nghi ngờ chuyện tôi đỗ đại học. Vậy mà tôi trượt, tôi chính thức trượt. Tôi sốc, đứa con gái 18 tuổi lần đầu tiên trong đời biết đến sự đắng cay của thất bại. Sau đó, tôi chờ đợi kết quả của khối B với hy vọng mong manh. Tôi thi khoa Công nghệ môi trường, ĐH quốc gia Hà Nội. Ngày thi trường này, tôi nghĩ chỉ là thi cho biết để khẳng định mình với bạn bè.
Trong suốt một tuần chờ đợi đó, tôi sống lơ lửng và dặt dẹo, ngày ngày cầu nguyện cho mình đỗ. Và giống như là định mệnh, tôi thiếu đúng nửa điểm, cảm giác nhẹ bẫng, tôi thấy mình đang rơi xuống vực sâu. Chị gái tôi gửi một bức thư bằng giấy, trong đó có một đoạn viết “Chị không thể hiểu nổi, liệu có phải trình độ của em quá cao siêu, cách làm của em quá sáng tạo đến độ các thầy cô không đủ trình để chấm cho em”. Giọt nước mắt vỡ òa, “Em xin lỗi chị”.
Ngày đó, bài thi còn là tự luận cả 3 môn, mỗi môn kéo dài 180 phút, nhưng môn Hóa tôi làm có 60 phút, môn Lý làm 100 phút là xong và xin ra trước sau 2/3 giờ thi. Cả nhà và đặc biệt là bố tôi luôn bắt tôi phải sửa cái tính cẩu thả từ nhỏ của mình, nhưng tôi vẫn chứng nào tật đấy không làm được.
Vì vậy mà nếu thi học sinh giỏi, bài khó tôi làm được, nhưng thi một bài kiểm tra bình thường thì tôi không bao giờ được tròn điểm. Không sai chỗ này thì cũng thiếu chỗ khác, không nhầm chỗ này thì cũng nhầm chỗ kia. Đó là một nhược điểm lớn nhất của tôi, vì là bài tự luận, khi sai kết quả tính toán của ý đầu, nó sẽ kéo theo cả bài sai hết.
Nhưng tôi chua xót hơn khi điểm thấp nhất lúc đó của tôi lại là môn Vật Lý: 4,5 điểm. Bạn bè bảo tôi phúc tra bài, nhưng khi ấy tôi xem lại đáp án, đã biết mình sai ở đâu. Tôi quá cẩu thả nên tính nhầm, mà cũng không xem lại kỹ. Tôi quá tự cao tự đại vào sự thông minh của mình, nên không cần học nhiều. Thi đại học là một sự nỗ lực toàn diện, cần chăm chỉ luyện đi luyện lại chứ không phải kiểu học “cưỡi ngựa xem hoa” của tôi.
Thời gian đó, không khí nhà tôi lúc nào cũng u uất, bà tôi không nói gì, đôi lúc tôi thấy bà ngồi lẩm bẩm “Cái Th nó trượt rồi”. Bố tôi không còn sang nhà hàng xóm chơi cờ nữa, mà ngồi trầm ngâm trong nhà. Tôi cảm thấy xấu hổ với em gái, em từng nói “Nếu chị đỗ đại học, em sẽ coi chị là thần tượng suốt đời của em”. Và từ trước giờ, trong mắt em, tôi luôn là thần tượng, là người mà nó tin tưởng nghe theo trong mọi chuyện.
Tôi có lỗi với mẹ, vì việc học hành của chị em chúng tôi, mẹ đã sống xa nhà, lăn lộn kiếm tiền chứ không thể trông vào đồng lương của bố, vì lúc đó còn có 2 chị gái tôi đang học đại học. Có thể nếu ai chưa trải qua cảm giác như tôi, sẽ không thể hiểu nổi những gì tôi trải qua lúc đó.
18 tuổi, tôi tưởng mình không còn sức để khóc thêm nữa. Cảm giác lớn nhất trong tôi lúc đó, lo sợ bà tôi không còn sống lâu nữa, một năm là khoảng thời gian lớn với bà, một năm càng kéo dài thời gian đến ngày bà hạnh phúc thấy tôi nhận tấm bằng đại học, cũng là bớt đi một năm mẹ đỡ vất vả.
Tôi không dám dối diện với thầy cô, bạn bè, với sự bàn tán của làng xóm, của những người biết đến tôi, biết đến thành tích học tập của tôi. Tôi không dám bước chân ra khỏi nhà, ngồi trong nhà nhìn ra, lúc nào tôi cũng có cảm giác ai đó đi qua cổng đang nhìn vào nhà mình với ánh mắt thương hại. Phải mất một tháng, mà không, phải mấy tháng sau đó, có lúc tôi cứ tự cắn vào tay mình xem có phải là mình đang mơ không. Rồi nhiều lúc, tôi ước “đây chỉ là giấc mơ, đây chỉ là cơn ác mộng mà thôi”.
Bố tôi an ủi “Đặng Tiểu Bình còn 3 lần vào ra Trung Nam Hải mới trở thành một danh nhân lớn. Thất bại là chuyện phải gặp trong cuộc đời. Có trải qua thất bại mình mới rắn rỏi và trường thành. Sang năm con thi lại”, bố an ủi tôi rất hùng hồn và trêu tôi cười suốt. Bố kể chuyện Tam quốc diễn nghĩa, Đông chu liệt quốc, Tây Thi. Trong bố là một kho tàng chuyện chính sử, dã sử cả Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng lúc đó tôi cảm nhận được bố tôi đang buồn đến thế nào.
Một người thông minh, học giỏi nổi tiếng cả một vùng như bố thời đó, nhưng vì tính ham chơi, ngang ngược, lại không khéo léo nên sự nghiệp của bố chỉ dừng lại ở một giảng viên về xây dựng trong quân đội, và về hưu sớm. Sai lầm và thất bại trong sự nghiệp, bố dồn hết tâm huyết vào con cái.
Trong bốn chị em gái, bố kỳ vọng vào tôi nhất. Bố tin tôi sau này sẽ làm một cái gì đó thật lớn lao chứ không đơn giản là một nhân viên bình thường. Vậy mà lần đầu tiên, tôi đã làm lung lay kỳ vọng đó của bố. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ của tôi, còn lúc đó, bố vẫn tin và kỳ vọng ở tôi nhiều.
Bà tôi, một người đã ở gần 80, nhưng còn đủ minh mẫn và sáng suốt để nhất định khuyên bố mẹ tôi phải cho tất cả chị em chúng tôi học hành đầy đủ, phải đi học, phải có bằng thì mới làm được. Ông nội hy sinh trong chiến tranh, bà tôi góa phụ ở tuổi 29, một mình nuôi bố tôi ăn học đầy đủ. Bố tôi học giỏi nhưng không thành đạt như mong muốn của bà.
Mỗi lần bạn bè của bố về chơi, họ đi xe con về là lúc đó tôi biết bà tôi đang nghẹn đắng ở cổ họng. Có lẽ vì vậy mà bà đem tâm huyết đó vào cho chúng tôi. Tôi đủ điểm là xin nguyện vọng 2 vào một số trường thấp hơn, nhưng tôi không xin, tôi học hệ cao đẳng Bách Khoa, họ lấy những sinh viên có điểm thi vào hệ đại học từ 20 đến 22,5 điểm. Tôi chấp nhận, vì trong đầu lúc đó chỉ nghĩ đi là để cho cả nhà yên tâm, cho thiên hạ không dòm ngó, chứ tôi không bao giờ có ý nghĩ mình sẽ học hết. Năm sau tôi sẽ thi lại.
Thời gian sống ở Hà Nội ôn thi lại, cũng là thời gian tôi hay ngủ mơ gặp ác mộng. Tôi cứ sợ hãi trong giấc mơ, rằng năm tới lại trượt tiếp. Chưa đỗ đại học, tôi làm gì chơi gì cũng không thấy vui, giống như có cái gì đó cứ lởn vởn trong đầu.
Sự thay đổi lớn trong tôi bắt đầu từ một lần bố đưa cho tôi một cuốn sách có tên “Ba lần vào ra Trung Nam Hải”. Trước tôi chỉ nghe bố kể sơ sơ, nhưng khi đọc từng câu chữ trong cuốn đó, tôi mới hiểu được cái nghị lực phi thường của danh nhân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Tôi nhận ra mình phải chủ động tạo cơ hội cho mình, chứ không chờ đợi nữa. Đừng nhìn vào điều tiêu cực, hãy suy nghĩ tích cực sẽ thấy có cơ hội khác đang chờ mình chính từ thất bại.
Tôi tin một năm là quá thừa cho thời gian ôn thi lại đai học, tôi không muốn lãng phí thời gian, nên quyết định phân bổ thời gian vào học tiếng Anh và đọc thêm thật nhiều sách bổ ích khác. Tất nhiên là tôi rút kinh nghiệm từ lần trượt đại học, không được chủ quan, chăm chỉ học tập, luyện những bài không quá khó, nhưng làm đi làm lại cho quen nhanh, và học đầy đủ hết tất cả các chương, chuyên đề.
Tôi cũng tranh thủ thời gian về quê với bà nội, nhổ tóc sâu, cắt móng tay, nấu ăn, và làm nhiều việc khác cho bà, kể những câu chuyện cười để bà vui. Tôi cũng bắt đầu gặp lại bạn bè và mọi người. Một năm sau, tôi đã đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội, trường mà tôi trượt năm trước, cùng với một năng lực tiếng Anh tương đối tốt, một số kỹ năng thu lượm khác trong thời gian rảnh, và hơn hết là một trải nghiệm thất bại mà không mấy người có được.
Như vậy coi như là tôi đã học đại học 6 năm, bây giờ tôi đã ra trường, có một công việc tốt, đúng ngành học, ở một vị trí tương đối trong một công ty lớn ở Sài Gòn. Và giống như là một cái duyên, tôi có một nghề tay trái là viết lách và dịch sách. Tôi còn nhiều dự định trong tương lai và đang dần dần thực hiện. Biết đâu rằng, nếu như không có một năm ôn thi lại, tôi lại không thể trở thành người yêu viết lách và dịch sách báo.
Đặng Thị Thực
TIN KHÁC
- » Nếu thi trượt Đại học thì em biết phải làm thế nào
- » Vượt qua “cú sốc” trượt đại học
- » Vượt qua sự mặc cảm, xấu hổ, nhiều sĩ tử quyết định tìm hướng đi mới cho mình
- » Nếu tớ thi trượt Đại học..
- » Thầy giáo tiếng Anh mà con yêu quý nhất
- » Nhớ một người thầy
- » Nhờ cô, em biết quý từng phút giây đang sống
- » Người bạn cá biệt của tôi
- » Lỗ thủng
- » Cô giáo bản Mường
- » Ước mơ đổi thay
- » Thầy Chủ nhiệm khoa kính yêu của chúng tôi
- » Kỷ niệm chưa vơi
- » Chuyện kể về một thầy giáo cũ
- » Hộp bút chì màu của thầy
- » Kí ức về ngôi trường nửa huyện
- » Chiếc áo tơi lá ngày đến trường
- » Rau má quê nghèo
- » Lớp học vỡ lòng của tôi
- » Thầy đã hướng cho tôi vào nghề dạy học
- » Vỏ lon bia trò tặng
- » Ánh sáng có dưới cùng...
- » Viết cho con ngày thi đại học
- » Gửi con yêu sau những ngày thi
- » Sinh viên các trường đại học thời thập niên 90
- » Học sinh chuyên toán nói về học văn
- » 20 câu nói bất hủ của thầy cô qua năm tháng
- » Tranh cãi về 'khác biệt giữa học sinh thời xưa và nay'
- » Ảnh 'đám cưới kỷ yếu' độc đáo của teen Nghệ An
- » Chiêm ngưỡng những bức ảnh tuyệt đẹp về mùa hè
- » Những bức ảnh kỷ yếu độc đáo không thể bỏ qua
- » Ảnh kỉ yếu ‘mình cưới nhau đi’ vui nhộn của HS chuyên Lam Sơn
- » Ảnh kỷ yếu ‘giang hồ’ của teen Sơn La gây sốt
- » 20 điều học sinh, sinh viên kiêng kỵ khi đi thi
- » Đạo hàm là gì?
- » Cảnh báo sĩ tử thức khuya, dậy sớm ôn thi nhập viện vì... tâm thần
- » Muôn kiểu mong ước nhỏ nhoi của học trò về đề
- » 11 kiểu 'thánh sống' lớp học nào cũng có
- » Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi không hiểu vẫn ấn tượng
- » Đừng để thời gian trôi qua trong tiếc nuối...
- » Câu chuyện “thức tỉnh” mọi người lớn: Đã đến lúc cha mẹ ngẩng đầu lên chưa?
- » Thư gửi ông già Noel của các bé nhân dịp lễ Giáng Sinh sắp về
- » Dù có làm việc ở đâu, thì cũng hãy nhớ những nguyên tắc này
- » Chụp ảnh kỷ yếu: Lãng phí, không cần thiết?Chụp ảnh kỷ yếu: Lãng phí, không cần thiết?