cảm xúc mùa thi

»

Lỗ thủng

 

Lỗ thủng

Lỗ thủng

Năm ấy là năm chúng tôi học lớp 8B Trường THCS RĐ, NH, Nam Định (lớp 8 là lớp lớn nhất của cấp 2 thời bấy giờ). Mặc dù đã 14, 15 tuổi lớn ngồng ngộc cả như nhau rồi nhưng đứa nào cũng vẫn nghịch ngợm như quỷ sứ. 

Nhà trường vừa mới xây được hai phòng học mái bằng và ưu ái cho hai lớp 8 chúng tôi được học trong những căn phòng khang trang ấy. 

Mặc dù đã được thầy Hiệu trưởng nhắc nhở là phải giữ gìn lớp học sạch đẹp nhưng các hình vẽ và những dòng chữ vẫn được chúng tôi vẽ lén lút lên bức tường vôi trắng toát ấy. 

Nhiều nhất là các hình vẽ về xe tăng, máy bay, tàu chiến, súng ống… thuộc đủ màu sắc: Màu vàng của mẩu gạch non, màu đen của thỏi than chì, màu xanh, đỏ, hồng… của những viên phấn màu. 

Nhà trường cũng đã điều tra song chẳng tìm được đứa nào vẽ bậy nên chỉ phê bình chung chung, yêu cầu chúng tôi quét vôi lại nhưng rồi đâu lại vào đấy, các “tác phẩm hội hoạ” ấy vẫn lại xuất hiện trên tường…

Khi đã chán vẽ thì tôi chuyển sang… đục tường. Vì là một trong những học sinh có chiều cao vào loại nhất lớp nên tôi được cô giáo chủ nhiệm xếp ngồi ở bàn cuối lớp, lưng dựa vào bức tường ngăn cách với lớp bên kia. 

Vào những giờ ra chơi và cả trong giờ học, tôi dùng một đoạn que tre khoét theo mạch vữa trên bức tường ở ngay sau lưng mình. Mỗi ngày một ít, chẳng bao lâu tôi đã tạo ra một lỗ thủng bé bằng ngón tay, thông sang lớp bên kia. 

Ngồi đối xứng với tôi qua bức tường là cái Thùy – một trong những học sinh nữ học giỏi nhất và hiền lành nhất lớp ấy. Mỗi lần tôi ghé mắt nhìn qua lỗ thủng đều bắt gặp những sợi tóc dài óng mượt và đen nhánh, thả dịu dàng dọc theo tấm lưng ong. Những sợi tóc dài ấy cứ mờ tỏ, thoáng ẩn thoáng hiện theo từng hoạt động của Thuỳ. 

Điều đó càng khiến tôi thích thú và nảy sinh ý định trêu chọc nó. Tôi bẻ một cành phi lao nhỏ bằng chiếc đũa ăn cơm và dài khoảng nửa mét, luôn để trong ngăn bàn, thỉnh thoảng lại lấy ra luồn vào lỗ thủng để chọc sang mái tóc và tấm lưng của cái Thùy, vừa để thỏa mãn cái tính nghịch ngợm của mình vừa để trêu tức nó. Chỉ có thằng Tùng ngồi cạnh tôi và cái Thùy cùng đứa bạn gái ngồi cạnh nó biết được cái trò đùa ấy. 

Giờ ra chơi, tôi chạy sang đứng ở ngoài cửa sổ lớp bên cạnh, hết nhìn vào lỗ thủng lại nhìn cái Thùy và nhăn nhở cười, tỏ vẻ đắc ý. Tưởng rằng nó sẽ rất bực mình nhưng không ngờ, sau cái liếc mắt, Thùy vẫn bình thản và vẫn cứ… hiền lành, chăm chú học bài, ra vẻ không thèm chấp… 

Nhưng rồi cũng đến lúc nó phải khó chịu với trò đùa dai như đỉa của tôi nên đã ngồi dịch ra một chút khiến tôi không còn được nhìn thấy mái tóc dài của nó nữa. 

Chỉ thỉnh thoảng, những sợi tóc và cái tay áo của Thùy hiện ra chốc lát rồi vội vàng biến mất khiến tôi chưng hửng và cứ chốc chốc lại cúi xuống, nhìn qua lỗ thủng nhưng đợi mãi, đợi hoài… mà chẳng thấy mái tóc dài của nó đâu!

Sau mấy ngày nghĩ mông lung tìm cách để “gặp lại” mái tóc dài ấy, tôi đành chuyển sang phương án có vẻ thân thiện hơn, đó là viết thư. 

Tôi xé những mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay, viết vào đó một hai dòng rồi vo viên lại, dùng que đẩy sang phía bên kia. Ban đầu, thư của tôi là những câu đùa tếu táo nhằm trêu chọc Thùy nhưng dần dần về sau, tôi chuyển sang viết những dòng tâm sự về tình cảm bạn bè, trường lớp và những dự định tương lai… 

Hình như Thùy cũng thích thú và vẫn đọc những dòng thư ấy bởi vì nhiều lần tôi thấy nó đưa tay ra đón viên giấy mà tôi đẩy sang…

Thế rồi chẳng may tôi bị cảm, phải nghỉ học gần một tuần liền. Hôm khỏi ốm, tôi đến lớp và được thằng Tùng ghé tai kể rằng, trong những ngày tôi nghỉ học, thỉnh thoảng Thùy đi ngang qua lớp tôi và nhìn vào cái lỗ thủng như muốn tìm cái gì đó. 

Tôi vội vàng xé giấy viết thư cho Thùy. Vì muốn viết nhiều nên thành ra mảnh thư ấy to quá, tôi vo mãi mà viên giấy cũng chỉ nhét vừa miệng lỗ. 

Tôi phải chọc thật mạnh để đẩy viên giấy ấy sang. Bỗng nghe tiếng con gái kêu thất thanh ở lớp bên kia, tôi linh tính có chuyện chẳng lành, vội vàng rút cái que phi lao ra và chạy sang thì ôi thôi, cái Thùyđang ôm mặt khóc, máu và nước mắt từ mắt phải chảy ra đầm đìa khuôn mặt. 

Thì ra khi tôi chọc mạnh cái que sang cũng là lúc cái Thùy đang ghé mắt dòm vào cái lỗ thủng. Cái que ấy đã làm rách mi mắt trên rồi chọc vào con ngươi khiến nó rất đau đớn. Tôi càng lo sợ và ân hận hơn khi thấy mọi người bảo rằng dù có được chữa trị thì mắt của nó vẫn sẽ bị mù…

Sau một thời gian được điều trị trên Hà Nội, cái Thùy trở lại với chỗ ngồi quen thuộc ở trong lớp học. Cũng may là nó vốn học giỏi nên cũng không mấy khó khăn trong việc theo đuổi chương trình.

 Ai hỏi về vụ tai nạn đó, Thùy đều nói là khi cúi xuống gầm bàn, do sơ ý mà bị chiếc bút máy chọc vào. Dù đỡ lo sợ hơn nhưng tôi vẫn luôn bị ám ảnh về đôi mắt của nó: Mắt phải thì luôn đờ đẫn, vô hồn, còn mắt trái thì buồn thăm thẳm, vừa như tủi thân, lại vừa như hờn trách…

Lên cấp 3, cái Thùy được chọn vào lớp Toán của trường chuyên trên tỉnh. Rồi đường đời muôn ngả và cuộc sống bộn bề khiến chúng tôi không có dịp gặp lại nhau. 

Thùy bây giờ đã là thạc sĩ, giảng dạy ở Trường ĐHSP Hà Nội I. Còn tôi, run rủi thế nào mà sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm lại được về dạy ở ngay ngôi trường làng mình đã học ngày xưa. 

Mặc dù hai phòng học mái bằng ngày ấy không còn nữa bởi đã được thay bằng dãy nhà ba tầng khang trang, nhưng nhiều khi đứng trên bục giảng nhìn xuống cuối lớp, tôi vẫn hình dung thấy cái lỗ thủng ấy. Phía bên kia lỗ thủng là ánh mắt của Thùy ngày ngày cứ nhìn xoáy sâu vào miền tâm tưởng của tôi…

TIN KHÁC

Video

Bản đồ