cảm xúc mùa thi

»

Cô giáo bản Mường

 

Cô giáo bản Mường

Cô giáo bản Mường

Năm đó tôi vừa bước chân vào THPT. Cô vừa tốt nghiệp Khoa Sư phạm Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2).
Tự nguyện nộp đơn xin về công tác tại Trường THPT Lạc Thủy C, cô chấp nhận làm việc xa nhà 70 km. Trường THPT Lạc Thủy C cũng là nơi tôi đang theo học. 

Ngôi trường mới được thành lập, do vậy điều kiện sinh hoạt, công tác còn gặp nhiều khó khăn nhưng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu nghề đã giúp cô vượt qua tất cả. 

Ngay năm đầu tiên ra trường, cô đã được phân công chủ nhiệm lớp của tôi. Trước khi cô chưa nhận chủ nhiệm, lớp tôi là một tập thể không có sự gắn kết, kết quả học tập thấp, trong lớp có nhiều bạn thường xuyên vi phạm những quy định của nhà trường. 

Tuy nhiên, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, khi cô về phụ trách lớp mọi thứ dường như có sự thay đổi đáng kinh ngạc. Cô luôn gần gũi, quan tâm, động viên từng học sinh nhất là những bạn học kém, chấp hành quy định chưa nghiêm. 

Hầu hết, các thành viên trong lớp tôi nhà ở cách khá xa trường, đi lại khó khăn nhưng cô không quản ngại, vất vả để đến thăm nhà tất cả học sinh của lớp. 

Không chỉ có vậy, khi lớp có bạn xin nghỉ học, cô đã kịp thời đến động viên gia đình để bạn tiếp tục đến lớp và trích một phần tiền lương ít ỏi của mình giúp bạn đóng tiền học phí. 

Để nâng cao kết quả học tập của lớp, trong những ngày nghỉ hay khoảng thời gian nghỉ ngơi buổi tối, cô tranh thủ kèm thêm những bạn kết quả học tập chưa cao. 

Vì vậy, lớp tôi đã có bước tiến bộ vượt bậc, từ một tập thể luôn xếp cuối cùng của trường vươn lên dẫn đầu phong trào học tập và rèn luyện của nhà trường. 

Cô luôn thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của tôi - một cậu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bố, mẹ tôi ngày ngày lam lũ, vất vả nuôi năm chị em ăn học thành người. 

Rồi những lúc ngồi tâm sự với cô về tuổi thơ của mình, cô luôn là người an ủi, động viên tôi. Đã bao lần, tôi cảm thấy hạnh phúc biết bao giống như có một lá chắn nào đó đang che chở cho mình. Đó chính là động lực để tôi cố gắng vượt qua mọi khó khăn.

Nhớ lại Tết năm 2005 khi tôi cùng với ba người bạn đạp xe hơn 60 km lên thăm cô. Hôm đó, trời mưa tầm tã, từng cơn gió như tát thẳng vào mặt chúng tôi khiến con đường trở nên khó khăn hơn nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng tới được nhà cô. 

Nhìn thấy chúng tôi, cô không khỏi xúc động và những giọt nước mắt lăn dài trên má. Hôm sau, bốn cô trò chúng tôi đạp xe đi dạo thị trấn Tế Tiêu (Mỹ Đức, Hà Nội). 

Khi đi ngang qua một hiệu sách cô đã khiến chúng tôi bất ngờ bởi món quà hết sức ý nghĩa, đó chính là những cuốn sách. Cô nói: “Không có sách thì không có tri thức và sách là tài sản trí tuệ quý giá nhất của loài người”. 

Từ lúc đó, tôi mới chợt nhận ra được giá trị của những cuốn sách và hiểu được rằng đó là hành trang cho những cậu học trò như chúng tôi vững bước vào đời. 

Những lúc cầm cuốn sách cô tặng trên tay, tôi nâng niu, trân trọng và thấy mình phải nỗ lực thật nhiều để không phụ lòng mong mỏi của cô. Tấm lòng của cô như là nguồn động viên to lớn giúp tôi “vượt lên chính mình” để xây dựng ước mơ cho tương lai.

Tôi cứ nhớ mãi lời cô khuyên bảo, nếu mình thích cái gì thì hãy theo đuổi và quyết tâm thực hiện đến cùng. Ngày đó, tôi đã từng cảm thấy con đường đến với ước mơ sao mà dài, sao mà gian nan đến vậy, mong muốn được khoác lên mình bộ quân phục để tiếp tục con đường mà cha tôi đã đi. 

Năm đầu tiên tôi thi trượt Học viện Chính trị Quân sự. Lúc ấy tôi cảm thấy mọi thứ xung quanh dường như sụp đổ. Đúng lúc ấy, cô luôn động viên, an ủi để giúp tôi cố gắng tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. 

Thế rồi, bằng sự quyết tâm nỗ lực cùng với những lời động viên của cô và gia đình đã giúp tôi hoàn thành được ước mơ của mình. Năm đó, cầm giấy báo trúng tuyển đại học trên tay, tôi hạnh phúc đến nhường nào và điện thoại báo ngay với cô để cô mừng.

Cậu học sinh ngày nào giờ đã là giảng viên của một trường đại học. Khát vọng, ước mơ đã thành hiện thực nhưng đó chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường rất dài để trở thành một giảng viên thật sự. 

Tôi ý thức được rằng, mình còn phải phấn đấu, không thể tự mãn, bằng lòng với những gì đang có. Phía trước với nhiều dự định tương lai, học tập nâng cao trình độ, đứng trước nhiều thử thách, những mục tiêu, những đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc hiện nay. 

Nhưng không phải vì vậy mà tôi bỏ cuộc, chùn bước, từ bỏ ước mơ của mình. Tôi sẽ luôn đi về phía trước, tiếp tục làm nhiệm vụ của người lái đò để chở những lớp thế hệ trẻ qua sông, tiếp bước sự nghiệp trồng người đầy vẻ vang mà cô đã đi.

TIN KHÁC

Video

Bản đồ