cảm xúc mùa thi

»

Chuyện kể về một thầy giáo cũ

 

Chuyện kể về một thầy giáo cũ

Chuyện kể về  một thầy giáo cũ

 Chúng tôi gặp nhau ở sân cầu lông công viên Indra Gandhi (Hà Nội). Ông Quân, tên người đàn ông đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, là một sỹ quan đặc công nghỉ hưu là bạn thân của tôi. 

Sau mỗi trận cầu, chúng tôi hay kể cho nhau về ký ức học trò. Ông Quân tâm sự: “Quê tôi có con sông mà ai cũng biết qua lời thơ của Tế Hanh.

…Ngày nhỏ còn ở quê, có ngày nào bạn hữu không rủ nhau nhảy tòm xuống con sông đẹp, hiền hòa thơ mộng ấy bơi lội. Vào mùa mưa lũ nó hung dữ lắm. Sẵn sàng cuốn phăng tất cả những gì nó gặp trên đường đi. 

Một lần mải chơi sông, tôi không thuộc bài. Thầy Kinh dùng thước kẻ, vụt vào bốn ngón tay trên bàn đau điếng người! Thầy dạy hay, dạy giỏi. 

Đặc biệt là môn Toán. Thầy khuyến khích chúng tôi giải những bài khó. Trò nào giải được là thầy “khen luôn”. “Toán là cái chìa khóa cho các môn khác đấy… 

Các em ạ, đất nước còn bị xâm lăng. Dân ta còn phải đổ máu để giành độc lập. Các em được đi học phải cố gắng học cho tốt. Học nên người không đơn giản đâu. Phải đánh đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi bờ cõi, mới xây dựng đất nước giàu mạnh được…”.

Ông Quân kể tiếp: “Thầy Rạng dạy tôi lớp 2, lớp 3. Không hiểu sao, thầy giáo làng mà giỏi thế! Môn nào thầy giảng cũng hay, cũng thích. Thầy thường đặt câu hỏi cho chúng tôi trả lời. Nếu thấy không có cánh tay nào giơ lên là thầy trả lời thay.

“Các em đi học để làm gì? Vì sao các em đi học? Vì sao Mỹ lại xâm lược miền Nam? Làng bên chống càn, đã có hàng chục người hy sinh. Nếu Mỹ, Ngụy đến đây, thầy trò có cầm súng đánh lại chúng không?”.

Ngoài dạy học, thầy Rạng còn vào đội tuồng của xã. Vai chính diện thầy diễn đã giỏi, vai phản diện thầy diễn còn hay hơn. Chân tay múa dẻo. 

Giọng tuồng của thầy chẳng kém diễn viên chuyên nghiệp của đoàn Trần Hữu Trang - Sài Gòn. Vì vậy bà con thường gọi thầy bằng cái tên mến mộ: “Rạng tuồng!”.

Thầy Rạng tốt lắm. Quá trình dạy, thầy “để ý” trò nào học yếu để thầy kèm cặp - bây giờ người ta gọi là dạy thêm ông ạ. Có trò thầy kèm tại lớp, có trò thầy đến tận nhà dạy mặc cho Mỹ Ngụy đánh phá. 

Thầy bảo lớp học như một gia đình. Trong nhà có người ốm yếu là phải chăm sóc theo điều kiện có thể. Trò còn yếu kém, thầy giúp đỡ cho tiến bộ như các trò khác một cách nhiệt tình, vô tư. 

Chả thấy thầy nhận “đồng quà tấm bánh”. Thầy còn dạy chúng tôi nhiều bài ca tuồng nữa cơ. Tôi thấy thầy nhẩm nhẩm, cân nhắc xem chọn bài nào cho dễ, cho phù hợp. Lớn lên tôi mới biết thầy là cơ sở cách mạng của ta. Thầy cân nhắc lời lẽ để giữ kín là vậy đấy ông bạn ạ.

Năm 15 - 16 tuổi, ông Quân trốn đi theo cách mạng, lên “cứ” thuộc Quân khu 5. Lúc đầu ông làm liên lạc cho tiểu đoàn… giúp việc cho Tướng Nguyễn Chơn. Được mấy năm ông vào đặc công cầu cống, đô thị. 

Năm 1971 - 1972, ông tham gia đánh Quảng Trị, Huế. Cứ “cơm Bắc giặc Nam” như thế cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ông lập được nhiều chiến công… 

Lúc “nằm gai nếm mật” ngoài mặt trận, ông vẫn văng vẳng đâu đây câu hát tuồng của thầy Rạng. Ông thầm nghĩ giá có thầy Rạng đến bên cạnh “kèm cặp” như năm xưa, chắc chắn trận đánh này sẽ thắng!

“Học nên người không hề đơn giản đúng như lời thầy Kinh đã dạy năm nào. Không học Toán tốt thì không nắm vững và sử dụng khí tài quân sự để thắng Mỹ được. 

Bây giờ tôi càng thấm, càng hiểu “cái đau điếng” của thầy Kinh giành cho, cùng với những lời dạy của thầy; lời ca của thầy Rạng trở thành hành trang đi suốt cuộc đời của tôi”.

Ông Quân đột ngột quay lại hỏi: "Ông biết không, ngay sau giải phóng miền Nam, tôi may mắn được trở lại đất Quảng anh hùng. Người đầu tiên đến thăm không ai khác đó là thầy Kinh, thầy Rạng thân yêu của tôi. 

Trong bộ quân phục của sỹ quan đặc công quân đội nhân dân Việt Nam, tôi dang tay ôm lấy thầy mà lòng chất chứa những bài học đầu đời của thầy giáo làng đất Quảng. 

Thầy Rạng bây giờ chuyển lên thành phố rồi. Còn thầy Kinh đã yên nghỉ với đất mẹ của mình".

Thầy Kinh ơi, khi kể chuyện về thầy cho bạn nghe ở Hà Nội, lòng em đã về bên thầy ở đất Quảng yêu thương. Em xin thắp cho thầy một nén hương thơm. Tri ân thầy. Cái thước thầy đánh năm xưa em không thấy đau nữa, nó giúp em cứng rắn, “nên người” thầy ạ! 

Em như vỡ òa ra một điều thầy giáo dạy văn hóa, trước hết là dạy nhân cách làm người cho học trò. Dạy biết yêu con sông quê hương và những con người gắn bó trên mảnh đất kiên cường bất khuất ấy. Và… chính thầy là gương sáng, là mẫu mực để chúng em học tập, noi theo!”.

TIN KHÁC

Video

Bản đồ