cảm xúc mùa thi

»

Chiếc áo tơi lá ngày đến trường

 

Chiếc áo tơi lá ngày đến trường

Chiếc áo tơi lá ngày đến trường

Áo tơi lá không còn “ngôi vị” như xưa nhưng ký ức về thời đi học với chiếc áo tơi lá vẫn không phai mờ trong tâm khảm của tôi.

Ngày ấy, chúng tôi - những đứa trẻ lên sáu, lên bảy. Cái tuổi lẽ ra phải non nớt về nghĩ suy, hồn nhiên trong sáng. Còn với tôi, dòng suy nghĩ ấy được thay bằng những vất vả, lo toan; những nhọc nhằn khốn khổ. Song cũng không kém niềm vui và đọng lại trong tôi những ký ức xa xăm.

Trời đất đã phân chia bốn mùa trong năm. Nhưng quê tôi chỉ có hai mùa mưa - nắng. Lẽ ra phải có tiết trời ấm áp đầu xuân với từng đàn chim én chao liệng trên nền trời xanh thẳm; lẽ ra phải có cái nắng vàng yếu ớt rất thi vị vừa chớm thu.

Vào những tháng mưa đông dầm dề, mưa không dứt hạt, mưa thối đất thối cát nhưng ông tôi vẫn ra đồng đều đặn. Năm ấy đã ngoài sáu mươi nhưng trông ông còn khỏe. Dáng người đậm, cặp mắt ông hơi sâu, hàng lông mày xếch ngược mỗi khi ông rướn mắt lên để nhìn cho rõ vật gì đó. Những ngày mưa dông, bếp lửa ông nhen mới có dịp tí tách, bập bùng tỏa sáng thâu đêm.

Mặc cho cái lạnh cắt da cắt thịt, những cô cậu gà không quên nhiệm vụ rất thiêng liêng hòa tấu bản nhạc đánh thức bình minh sau một đêm cuộn mình ngon giấc. Buổi sáng sau khi cả nhà ấm bụng, ông dẫn tôi ra đồng thả cá. Thời ấy hay thả cá bằng cách tự đan lờ để đặt ở ngõ nước hoặc dùng đó. Tôi xúng xính mang trên mình vật bất ly thân khi mùa mưa đến, đó là chiếc áo tơi lá.

Vào những ngày nông nhàn, ông tập hợp lũ trẻ lên núi để lấy lá kè làm áo tơi cho chúng tôi đi học, rồi bó thành từng bó to nhỏ vác về tùy theo sức của từng đứa. Trong lúc ông chặt lá, tôi cùng lũ bạn tha hồ hái quả và đánh chén. Quả kè to hơn hạt đậu đen một chút, hơi tròn, màu xanh, khi chín chuyển sang màu đỏ rực, nhẵn bóng làm sáng cả một vòm trời nên chúng dễ dàng bị phát hiện dưới con mắt “lâm tặc” của chúng tôi. Và khoái nhất là khi ăn có vị ngọt ngọt, chát chát, sin sít đọng lại nơi đầu lưỡi.

Khi lấy lá về nhà, ông tỉ mỉ đem tước ra thành từng sợi rồi phơi khô, chọn loại mây rắc dẻo dai chẻ nhỏ buộc lại để kết thành chiếc áo tơi lá. Mới nghe qua thì đơn giản thật, nhưng ai đã tự tay làm thì đó quả là một kỳ công rất lớn. 

Bên trong lớp lá ấy, là một bộ khung được làm bằng tre. Mà tre phải là tre tốt, đem ngâm xuống đầm, ao lấy độ bền chắc đặng không bị mọt ăn. Ông cẩn thận kết từng lá theo khung đã được định vị sẵn. Rồi lần lượt luồn sợi mây để cột chặt vào. 

Ông vốn khéo tay nên phút chốc biến sợi mây thành con tít xinh xắn thay vì để nguyên vậy. Vì tôi là cháu gái nội nên ông rất mực yêu thương và tỉ mẩn tặng tôi chiếc áo tơi cực kỳ xinh đẹp vừa vặn với vóc dáng “mỏng cơm” của mình. Và chiếc áo ấy đã theo tôi đến trường trong những tháng ngày giông bão để chắt chiu tìm con chữ.

Mỗi lần kết áo, bọn tôi xúm xít quanh ông dán mắt nhìn không ngớt. Lúc này bảo bối luôn đồng hành cùng ông là ống thuốc lào. Ông dạy chúng tôi từng công đoạn một, từ dễ đến khó. Chiếc áo tơi không những là vật dụng che nắng che mưa cho cả gia đình, mà còn để bà mang ra chợ bán. 

Bà quang gánh đi chợ thế nào tôi cũng lẽo đẽo theo sau. Khi thì vòi vĩnh cái bánh ú, kẹp nơ; khi thì một đôi dép nhựa Tiền Phong mới tinh. Hàng của bà được xem là sản phẩm độc nhất vô nhị ở cái chợ Thơm này (quê tôi trồng rất nhiều thơm (dứa) nên đặt tên chợ là chợ Thơm), khách đến xem nườm nượp, thoáng chốc thì hàng đã hết. Đó cũng là nguồn thu nhập khá khiêm tốn để bà mua vôi, mua thuốc và cả tập bút cho tôi nữa.

Chiếc áo tơi lá tiện thật, nên được gọi là vật dụng lưỡng cư. Này nhé, những ngày trời đổ lửa, nếu khoác chiếc áo trên người thì cái nắng nóng dường như được đẩy lùi. Còn nếu trời mưa như trút nước cũng chẳng sao, bạn yên tâm bởi nước không thể nào thẩm thấu vào bên trong được. Mà đặc biệt là giữ độ ấm nên tha hồ mà nghịch nước, chăn trâu hay đánh bắt cá suốt ngày mà không sợ bị cảm lạnh.

Theo thời gian, ông cũng đã về nơi thiên cổ. Rừng kè cũng đã thưa dần và nhường ngôi cho những cánh rừng keo lá tràm bạt ngàn xanh mướt. Và không còn ai đủ sức bền bỉ ngồi ngày này sang ngày khác để đan áo tơi lá. 

Bây giờ, điều kiện kinh tế khá giả; hàng hóa phong phú, đa dạng, tây ta đủ loại. Người ta chỉ cần bỏ ra ít tiền để sở hữu cho mình vật dụng che nắng, che mưa tùy thích. Hoặc ngồi trên chiếc ôtô bóng loáng nhả khói mặc nắng gió mưa sa.

Ai đã từng gắn bó với chiếc áo tơi lá trong những năm tháng tuổi thơ cắp sách tới trường, thì cái cảm giác ấy sẽ theo chân trải dài cùng năm tháng. Và, chiếc áo tơi lá vẫn thân thương trong ký ức một thời... 

TIN KHÁC

Video

Bản đồ