Một trong những điểm nóng của kỳ thi năm nay là xác định thiết bị công nghệ cao khi nghi vấn thí sinh mang vào phòng thi.
Chuyện xảy ra ở Học viện An ninh Nhân dân. Theo hội đồng thi này, tại điểm thi số 5, khi phát hiện ra 2 chiếc đồng hồ lạ của thí sinh, mặc dù chưa xác định được đó có phải là loại thiết bị có chức năng thu phát mà quy chế quy định hay không, hội đồng thi vẫn tịch thu. Một cán bộ của Ban chỉ đạo thi giải thích: Theo quy định, khi thí sinh mang thiết bị hay vật dụng cá nhân vào phòng thi phải giải thích được nguồn gốc, tính năng; nhưng trong trường hợp này, thí sinh không giải thích được và trên đồng hồ có nhiều phím bấm, chữ nên... cứ thu là an toàn nhất. Các thành viên Hội đồng Học viện nói đùa: Hội đồng thi làm nghiêm túc có truyền thống nên thấy lạ, là thu!
Trong khi đó, tại trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, đích thân Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga nhìn thấy một nữ thí sinh có chiếc đồng hồ hơi khác lạ; sau khi hỏi han, nữ thí sinh trả lời rằng đó là chiếc đồng thời trang, và cô được Thứ trưởng chúc thi tốt.
Ở hội đồng thi trường THPT Kim Liên (Hà Nội), một thí sinh mang thiết bị trợ thính cũng bị nghi vấn và phải làm cam đoan mới được sử dụng.
Đợt I kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2014 đã kết thúc và được đánh giá là thành công tốt đẹp. Có 73 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật; trong đó, khiển trách: 22; cảnh cáo: 3; đình chỉ: 48; có 8 trường hợp đến muộn không được dự thi.
Tại điểm thi trường ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN), một thí sinh thị lực kém mang theo thiết bị trợ giúp cho việc đọc. Qua kiểm tra hồ sơ bệnh án của thí sinh và quan sát thấy thiết bị có màn hình nhưng không có chức năng truyền thu, hội đồng thi quyết định cho thí sinh làm cam đoan và được phép sử dụng. Nhưng cuối mỗi buổi thi, hội đồng thu thiết bị, niêm phong và phát lại cho thí sinh ở buổi thi tiếp theo.
Ông Vũ Hoàng Linh, Phó hiệu trưởng nhà trường nói: “Khó khăn cho hội đồng là không kiểm soát được chính xác thiết bị gì, mới chỉ nhìn trên màn hình không biết bên trong có gì, nên, để an toàn, hội đồng chỉ biết xếp riêng thí sinh một chỗ, giám thị đặc biệt theo dõi và thu thiết bị, niêm phong, phát lại trước giờ thi!”.
Nhiều trường ĐH dự báo điểm chuẩn
Với đề thi của các môn khối A và A1, thầy Vũ Hoàng Linh - Phó hiệu trưởng trường ĐHKH Tự nhiên(ĐHQG HN) dự báo điểm chuẩn của trường này không thấp hơn năm 2013 (dao động từ 17 - 20 điểm do các môn khoa học cơ bản không hút thí sinh bằng các ngành kinh tế hay y khoa) và trường sẽ công bố điểm vào khoảng ngày 22-25/7.
Ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng phòng đào tạo trường này cho biết thêm: Thí sinh trúng tuyển vào trường, nếu không trúng tuyển vào ngành đã đăng ký thì sẽ được ưu tiên vào ngành khác và nếu không muốn học ngành NV2, sẽ được trả giấy báo điểm để tham gia xét tuyển ở các trường ngoài.
ĐH Bách khoa HN có 6.900 thí sinh, tuyển 5.200 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, năm trước điểm chuẩn vào trường trải dài từ 18 đến 24 điểm tùy theo ngành đào tạo và năm nay, dự báo, điểm chuẩn cũng tương tự.
ĐH Ngoại thương, một trường khá ổn định ở tốp cao với 24,0 điểm khối A và 22,5 hoặc 23,0 điểm khối D trong nhiều năm, cũng dự đoán sẽ giữ nguyên điểm chuẩn.
Học viện Bưu chính Viễn thông giữ ổn định từ nhiều năm với 18 điểm khối A và 19 điểm khối D. Ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó hiệu trưởng, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh dự báo: Năm nay, điểm chuẩn vào Học viện chắc chỉ tương tự năm trước. Để có chất lượng thí sinh cao, Học viện sẵn sàng tuyển NV 2 (năm trước, có ngành NV2 cao hơn 1 điểm so với NV1; có ngành cao hơn 3-4 điểm).
Năm nay, Học viện bắt đầu áp dụng chính sách miễn học phí 100% cho các thí sinh đoạt giải nhất học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải quốc tế và thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên; thí sinh đạt từ 25,0 điểm trở lên sẽ được giảm 50% học phí. Trong quá trình học tập, sinh viên giỏi còn được nhận học bổng theo quy định của Bộ GD&ĐT với các mức 300, 360 hoặc 450 ngàn đồng.
Nhận định kết quả thi
Môn Hóa học: Nhiều thí sinh khối A sẽ đạt 25-26 điểm
Đó là nhận định của thầy Vũ Văn Hợp, chuyên Hóa, THPT Lê Hồng Phong, Nam Định. Theo thầy Hợp, đề thi môn Hóa khối A hợp lý, số lượng câu dễ để thí sinh “ăn điểm” là từ 20 đến 25 câu; đề thi mang tính phân hóa tốt với 10 câu hỏi khó. Điểm trung bình của môn Hóa là 5,5 hoặc 6,0.
Theo thầy, đề thi năm nay có ý tưởng mới là đưa hình vẽ, đồ thị dạng giải toán và thực nghiệm gần gũi vào đề thi; thí sinh có thể hơi bất ngờ nhưng đề thi phù hợp với xu hướng đưa thực tế vào trường phổ thông. Phổ điểm chính sẽ bằng hoặc cao hơn năm ngoái và nằm ở 5-7 điểm. Thầy Hợp dự báo, với điểm Hóa cao hơn năm ngoái; môn Lý cũng có thể đạt nhiều điểm 7-8 thì khối A sẽ có nhiều điểm 24-25 và điểm chuẩn ở trường tốp trên sẽ bằng hoặc hơn năm trước.
Môn Tiếng Anh: Điểm 7-8 chiếm 40%Thầy Nguyễn Việt Thắng, giảng viên ĐH Hà Nội nhận xét: Đề thi môn tiếng Anh dễ, không khó như mọi năm và có thể dự báo là phổ điểm chủ yếu nằm ở 5-6 điểm; điểm 7-8 chiếm 30-40% và ít điểm 9-10. Nhìn chung, theo thầy Thắng, đề thi phân loại được thí sinh nhưng nếu để tuyển chọn thì có thể có nhiều câu hỏi khó hơn và hay hơn.