Tin TUYỂN SINH

»

Đề án tuyển sinh riêng của ĐH Vinh

 Đề án tuyển sinh riêng của ĐH Vinh: Thi tuyển, xét tuyển - thi tuyển 5 ngành.

Trường ĐH Vinh vừa công bố Đề án tuyển sinh riêng của trường. Theo đó, nếu được sự đồng thuận và chấp thuận của Bộ GD-ĐT, ngay trong năm 2014, trường ĐH Vinh sẽ tổ chức xét tuyển và thi tuyển 5 ngành.
Theo Đề án tuyển sinh của trường ĐH Vinh, năm 2014 Trường Đại học Vinh đăng ký thực hiện thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức (trừ 5 ngành xét tuyển, xét tuyển kết hợp với thi tuyển). Nguồn tuyển: Tuyển sinh trong cả nước.

Việc tổ chức thi chung được thực hiện theo các quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ GD-ĐT ban hành.

Phương thức xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển một số ngành:

Xét tuyển:

Các ngành xét tuyển gồm: Nông nghiệp - Mã ngành: D620109; Khuyến nông - Mã ngành: D620102; Nuôi trồng thủy sản - Mã ngành: D620301

Tiêu chí xét tuyển: Tốt nghiệp THPT; Tổng điểm các môn: Toán học, Hóa học, Sinh học lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (5 học kỳ) đạt 90.0 điểm trở lên. Đạo đức xếp loại khá trở lên. Thí sinh có nguyện vọng làm đơn và nộp hồ sơ xét tuyển.

Nguồn tuyển: Xét tuyển thí sinh trong cả nước.

Xét tuyển kết hợp thi tuyển đối với các ngành:

Các ngành xét tuyển kết hợp thi tuyển gồm: Giáo dục Mầm non; Mã ngành: D140201; Giáo dục Thể chất; Mã ngành: D140206; Tiêu chí xét tuyển kết hợp thi tuyển:

Đối với ngành Giáo dục Mầm non (GDMN): Tốt nghiệp THPT. Tổng điểm các môn: Ngữ văn, Toán học lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (05 học kỳ) đạt 60.0 điểm trở lên. Đạo đức xếp loại tốt. Thi tuyển môn năng khiếu theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và quy trình, tiêu chí tuyển sinh năng khiếu ngành Giáo dục mầm non (GDMN) của Trường Đại học Vinh. Thí sinh có nguyện vọng làm đơn và nạp hồ sơ xét tuyển.

Đối với ngành Giáo dục Thể chất (GDTC): Tốt nghiệp THPT. Tổng điểm các môn: Toán học, Sinh học lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (05 học kỳ) đạt 60.0 điểm trở lên. Đạo đức xếp loại khá trở lên. Thi tuyển môn năng khiếu theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và quy trình, tiêu chí tuyển sinh năng khiếu Thể dục Thể thao của Trường Đại học Vinh. Thí sinh có nguyện vọng làm đơn và nạp hồ sơ xét tuyển.

Nguồn tuyển: tuyển sinh trong cả nước.

Thí sinh có nguyện vọng nạp hồ sơ xét tuyển vào 5 ngành trên của Trường Đại học Vinh vẫn được đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kỳ thi tuyển sinh chung do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Quy trình xét tuyển, xét tuyển kết hợp với thi tuyển

Hồ sơ xét tuyển gồm:

- Hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) đại học năm 2014 (theo mẫu của Bộ GD-ĐT).

- Đơn xin xét tuyển (theo mẫu của Trường Đại học Vinh).

- Học bạ THPT (phô tô công chứng).

- Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời (phô tô công chứng).

- 3 ảnh chân dung mới cỡ 3x4.

Thời gian, phương thức và địa điểm nhận hồ sơ:

a) Thời gian:

- Đợt 1: Từ 14/3/2014 - 14/4/2014 bao gồm:

+ Hồ sơ ĐKDT đại học

+ Đơn xin xét tuyển

+ Học bạ THPT lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (phô tô công chứng)

+ 3 ảnh cỡ 3x4

- Đợt 2: Từ 21/6/2014 – 26/6/2014 nộp bổ sung hồ sơ bao gồm:

+ Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời (phô tô công chứng)

b) Địa điểm: Phòng Đào tạo Trường Đại học Vinh, Địa chỉ số 182 Lê Duẩn, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An.

c) Phương thức:

- Nộp trực tiếp tại Phòng Đào tạo Trường Đại học Vinh.

- Gửi phát nhanh qua bưu điện về: Phòng Đào tạo - Trường Đại học Vinh, 182 Lê Duẩn, Thành phố Vinh, Nghệ An.

Thời gian thi năng khiếu: Từ ngày 11/7/2014 đến ngày 14/7/2014.

Thời gian xét tuyển: đối với 3 ngành Nông nghiệp, Khuyến nông, Nuôi trồng thủy sản và xét điều kiện dự thi Năng khiếu đối với 2 ngành: Giáo dục mầm non và Giáo dục thể chất từ 28/6/2014-30/6/2014.

Quy trình xét tuyển:

- Thành lập Hội đồng xét tuyển:

+ Bước 1: sơ tuyển sau khi thí sinh nạp hồ sơ.

+ Bước 2: xét tuyển đối với 3 ngành NLN và xét điều kiện dự thi năng khiếu đối với thí sinh 2 ngành GDMN và GDTC.

+ Bước 3: tổ chức thi năng khiếu.

+ Bước 4: xét tuyển ngành GDMN và GDTC.

- Nguyên tắc xét tuyển:

- Nguyên tắc xét tuyển:

+ Lấy điểm từ cao xuống đến hết chỉ tiêu của các ngành. Riêng đối với 3 ngành Nông nghiệp, Khuyến nông, Nuôi trồng thủy sản lấy thêm kết quả thi môn Toán học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.

+ Điểm môn thi năng khiếu GDMN và GDTC tính hệ số 2.

- Chính sách ưu tiên: thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng do Bộ GD-ĐT ban hành; thí sinh thuộc diện ưu tiên được cộng điểm ưu tiên theo mức điểm được hưởng vào tổng điểm chung để xét tuyển.

- Lệ phí tuyển sinh: thực hiện theo quy định hiện hành.

- Chỉ tiêu tuyển sinh:

+ Nông nghiệp: 200 chỉ tiêu

+ Khuyến nông và Phát triển nông thôn: 200 chỉ tiêu

+ Nuôi trồng thủy sản: 200 chỉ tiêu

+ GDMN: 100 chỉ tiêu

+ GDTC: 50 chỉ tiêu

Phân tích ưu, nhược điểm của phương án xét tuyển, xét tuyển kết hợp thi tuyển, lãnh đạo nhà trường cho biết: Việc tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển như đề xuất trong phương án cho phép lựa chọn được các sinh viên có đủ điều kiện về kiến thức văn hóa (thông qua mức sàn tối thiểu về kết quả học tập ở phổ thông tương đối cao) và có năng khiếu (thông qua thi tuyển các môn năng khiếu). Kết quả triển khai thí điểm của các trường khối năng khiếu - nghệ thuật là cơ sở thực tiễn để trường đề xuất phương thức tuyển sinh đối với những ngành này.

Trong năm 2014, bên cạnh đổi mới phương thức tuyển sinh đối với các ngành năng khiếu, trường cũng đề xuất thí điểm việc xét tuyển bằng kết quả học tập ở phổ thông đối với một số ngành, điều kiện đảm bảo chất lượng của việc xét tuyển này được ràng buộc bởi ngưỡng tối thiểu của kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình trong quá trình học tập. Căn cứ của việc sử dụng các ngưỡng đảm bảo chất lượng này là tỷ lệ tốt nghiệp loại khá ở các tỉnh trong những năm vừa qua chỉ dao động trong phạm vi từ 20-25 %; học sinh khá, giỏi chiếm 40 - 45%.

Ưu điểm của phương án: Đáp ứng nguồn nhân lực và các ngành nghề mà xã hội đang cần; Phù hợp với đặc thù các ngành đào tạo của trường và với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; Định hướng được việc lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh THPT; Đảm bảo chất lượng và năng khiếu theo yêu cầu của ngành.

Nhược điểm: Thí sinh có thể vừa nộp hồ sơ ĐKDT đại học các ngành khác, vừa nộp hồ sơ xét tuyển (tồn tại số ảo khi xét tuyển).

Lộ trình thực hiện:

Năm 2014: Trường Đại học Vinh thực hiện thi chung theo quy định của Bộ GD-ĐT. Xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển 5 ngành: Nông nghiệp, Khuyến nông, Nuôi trồng t hủy sản, Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất.

Năm 2015: Ngoài việc thi chung, xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển 5 ngành như năm 2014, Nhà trường tổ chức thi riêng thí điểm 5 ngành: Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Việt Nam học, Quản lý văn hóa, Quản lý giáo dục, với các môn thi Toán, Văn, Tiếng Anh.

Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai thí điểm thi tuyển sinh riêng các ngành trên, Trường sẽ nghiên cứu để hoàn thiện phương án tuyển sinh làm tiền đề cho việc tự chủ thi tuyển sinh riêng các ngành còn lại vào năm 2016.

Năm 2016: Xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển 5 ngành: Nông nghiệp, Khuyến nông, Nuôi trồng thủy sản, Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất. Thi tuyển sinh riêng cho tất cả các ngành còn lại.

TIN KHÁC

Video

Bản đồ