Tin TUYỂN SINH

»

Ánh sáng và cây non

 

Ánh sáng và cây non

Trong những cánh rừng trồng người bao la hôm nay, có khu vườn nhỏ mà cô không ngơi gieo trồng, vun xới. Ở trong khu vườn ấy, ta sẽ hiểu vì sao phụ huynh học sinh thoạt tiên đòi chuyển con em mình đi lớp khác, nay lại đề nghị cô tiếp tục làm giáo viên chủ nhiệm…

Trong buổi sáng mùa hè êm lành ấy, cuộc làm việc giữa tôi và một đồng nghiệp ở Trung tâm Y tế TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đột nhiên ngừng lại khi chị nói đến cô giáo đã và đang giúp con trai mình trở lại chăm chỉ với sách vở, lớp học, bài tập, bạn hiền. Niềm vui sáng rõ trên gương mặt của chị.

Câu nói “Uốn cây nhờ cách trồng trọt, uốn người nhờ cách giáo dục” của Jean-Jacques Rousseau - triết gia và văn hào Pháp - dội về trong tâm trí lúc ấy đưa tôi đến cánh rừng trồng người có cô giáo biết rèn tính nết, dạy kiến thức vì sự dưỡng tâm và ích trí của học trò. Trong cánh rừng đó, tôi gặp sự cởi mở và giản dị, sự khiêm cung và nỗi tự hào của Nguyễn Thị Bích Ngọc - cô giáo đã mở con đường vào những trái tim tuổi thơ bằng chính nhân cách khoáng hoạt và lòng kiêm ái.

 

Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc và học sinh 8G Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc và học sinh 8G Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

“Lên lớp 9, cô dạy chúng em nữa được không cô?”, “Cô ơi, chỉ có cô!”, “Cô thương chúng con với”. Những dòng tin nhắn của học trò được cô Ngọc gìn giữ trong niềm vui thầm lặng mà kiêu hãnh của mình. Lớp 8G mà cô làm giáo viên chủ nhiệm là lớp góp, lớp ghép có nhiều học sinh cá biệt, quậy phá hoặc không lên được lớp trên của Trường THCS Trần Hưng Đạo ở TP Đông Hà.

35 tuổi, cô Ngọc từng rời Đông Hà lên dạy học ở ngôi trường Lê Thế Hiếu xanh um bóng núi giữa vùng căn cứ Tân Sở (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) vang vọng lời hịch Cần Vương năm xưa. Sau đó, cô về dạy ở Trường Đường 9 cách trung tâm tỉnh lỵ chưa đầy 10 phút đi xe đạp nhưng học trò phần nhiều đều nghĩ việc được về chơi ở Đông Hà trong chốc lát đã là giấc mơ đẹp. Chuyển tới Trường THCS Trần Hưng Đạo dạy 2 môn sinh học, hóa học kiêm chủ nhiệm lớp 8G, cô đã rơi nước mắt ngay trong buổi họp phụ huynh đầu tiên được tổ chức một tháng sau đó.

Trong buổi họp nhớ đời với cô Ngọc ấy, một nửa phụ huynh của lớp muốn chuyển con em mình về lại các lớp cũ - nay lên 8A, 8B, 8D, 8E. Họ sợ cô giáo có vóc dáng nhỏ nhắn này không dạy được học trò lớp góp, lớp ghép. 36 học sinh lớp 8G luôn có cách làm các thầy cô bộ môn nổi giận.

Từng có hơn 10 năm dạy học ở vùng nông thôn còn nhiều thuần hậu và học sinh lành tính, cô Ngọc đã rất sốc khi chứng kiến học trò gọi thầy cô bằng tên thật ghép với đặc điểm riêng ngoại hình hoặc quậy phá trong giờ học. Nhưng rồi bằng cảm nhận của tâm thức nhạy cảm và sâu sắc luôn hướng vào các em, cô tin học trò của mình có trí thông minh và sự giỏi giang, tính cách và tình cảm tốt đẹp chắc hẳn ẩn bên trong những đứa trẻ thường tìm cách phá vỡ nguyên tắc, nội quy của trường lớp.

Tin ở những điều tốt đẹp mà mình nhận biết, cô Ngọc bắt đầu hành trình của một kỹ sư tâm hồn trên con đường giúp học trò của mình trải nghiệm sức mạnh tiềm tàng ấy trong từng ngày cùng các thầy cô khác dạy các em biết ưa điều phải học và học làm điều phải. Với 20 học sinh nam, 16 học sinh nữ của lớp góp, lớp ghép 8G, giáo dục có nghĩa là dạy dỗ và người vừa dạy vừa dỗ các em chính là cô Ngọc. Vừa thổi vào mỗi học trò sức sống trí tuệ thông qua việc truyền đạt kiến thức, cô vừa dỗ dành em này vì ham chơi mà bị đánh nên bỏ nhà đi quay về, khuyên nhủ em kia từ bỏ game online.

Chuyển về thành phố công tác nhưng cô Ngọc trăn trở, bận rộn và vất vả nhiều hơn thời dạy học ở vùng sâu, vùng xa. Cô dạy kèm học trò bởi sự thôi thúc của sứ mệnh trồng người đã trở thành máu thịt, để dùi mài và rèn tập tâm trí của những em mà cô hết mực thương yêu, cảm thông, tin tưởng. Vì vậy, cô phải luôn tìm cách từ chối học phí được phụ huynh gửi. “Dạy kèm không phải để có thêm thu nhập trong thời buổi kinh tế thị trường mà chỉ vì thương học trò, cô Ngọc thực sự là người sống, học tập và làm theo gương Bác” - đồng nghiệp của tôi ở Trung tâm Y tế TP Đồng Hà cảm phục.

Vì muốn dạy học trò ham thích học tập và có cơ hội học tập nên cô Ngọc xem việc mình giúp các em nghèo nộp học phí đúng hạn là điều rất đỗi thường tình. Thường tình bởi cô nghĩ rằng học trò là sản phẩm trực tiếp của giáo viên, dù trong sự trưởng thành, thành công hay nên người của các em thì thầy cô chỉ góp một phần nhỏ. Tuy nhiên, khi thấy cô chăm chút và dành nhiều thời gian, tâm sức cho những việc thường tình ấy, người khác tin rằng học trò của cô đã có lúc “muốn làm ngọn gió thổi mát vai cha ướt đẫm trưa hè, muốn làm cơn mưa để rửa trôi những năm tháng nhọc nhằn lưng mẹ, muốn làm con sóng để vỗ về những bờ cát xa, muốn làm bông hoa để nở trên môi những người bất hạnh” (Ước mong tuổi thơ, Nhơn Bốn).

Nhiệt tình và tấm lòng của cô giáo Ngọc với học trò giống như ánh sáng với cây non. Khu vườn trồng người của cô có nhiều cây non và không ở đâu như ở đây, sự uốn nắn, dạy bảo của cô giáo là ánh sáng chiếu đến được các học trò kém nhất - cây non yếu ớt nhất.

Cô đã rèn một nữ sinh - vì hôn nhân của bố mẹ tan vỡ mà ham chơi rồi bị đánh nên bỏ nhà đi - trở thành học sinh tiên tiến; giúp một học trò là trẻ em đường phố sống ở Mái ấm Tình Hồng không bị lưu ban; dạy dỗ một em - vốn rất thông minh nhưng hoang nghịch nên có học lực yếu - trở lại với danh hiệu học sinh tiên tiến; luyện một em thành học sinh giỏi. Cô cũng từng mất ăn mất ngủ khi có một học trò phải bỏ học do gia đình quá nghèo…

Vừa làm giáo viên chủ nhiệm, dạy chính khóa vừa tự nguyện dạy kèm học trò đang ở độ tuổi ẩm ương từng là học sinh cá biệt, thường gặp sự mặc cảm, cô Ngọc giúp các em phát hiện những điều tiềm ẩn bên trong. Học trò này rất nghịch ngợm nhưng luôn nhiệt tình với việc lớp và có tinh thần tương thân tương ái. Học trò kia kiến thức mất gốc và hoang nghịch nhưng rất thông minh. Em này nghiện game online nhưng nghe lời cô răn dạy đã có học lực khá trở lại. Em kia phải nghỉ học 2 tháng do đau ốm nhưng vẫn tới nhà cô học bài mỗi tối vì nhớ cô, nhớ bạn.

Không gì có thể ngăn được tôi tin rằng cô giáo Ngọc là người đã khơi lại ngọn lửa trong tâm hồn của những học trò ấy bằng sự gần gũi, lương thiện, nghiêm khắc và tình cảm thương mến, tin tưởng. Tôi nghĩ cô Ngọc - cũng như bao thầy giáo, cô giáo khác - luôn mong mỏi và tin tưởng ở học trò của mình một ngày nào đó sẽ “hóa thân thành ra đất nước” nên cũng đã hóa thân “thành một phần tâm thức của từng em” (Hóa thân, Lê Đức Mẫn).

Trong những cánh rừng trồng người bao la hôm nay, có khu vườn nhỏ mà cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc không ngơi gieo trồng, vun xới. Ở trong khu vườn ấy, ta sẽ hiểu vì sao phụ huynh học sinh lớp 8G đã đề nghị cô Ngọc tiếp tục làm chủ nhiệm lớp trong năm học 2013-2014.

Ắt hẳn, phụ huynh tin tưởng nhân cách trong sáng và tình cảm cao thượng của cô Ngọc ảnh hưởng tốt đẹp với học trò qua mỗi phút, mỗi giờ truyền đạt kiến thức và uốn nắn tính tình, giúp các em nên người có ích. Với Ngọc, đó là tất cả phần thưởng mà cô mong đợi, là trái ngọt và hoa thơm mà cô muốn dành tặng cuộc đời.

 

Lớp góp, lớp ghép

 

Hết học kỳ 1 năm học 2012-2013, nỗi ưu tư của cô Ngọc dày thêm khi lớp góp, lớp ghép 8G có 8 học sinh kém, 1 học sinh yếu. Đã có lúc cô cảm thấy dường như mình không phải là cô giáo.

 

Để thay đổi những học trò ham chơi, hoang nghịch, nghiện trò chơi điện tử vì bố mẹ ly hôn hay do chuyện làm ăn mà thiếu hẳn sự quan tâm và chăm sóc con cái, cô tìm gặp từng em khích lệ tới nhà mình học toán, học hóa ngoài giờ đến trường. Trước sự dỗ dành kiên nhẫn, dịu dàng và nhiệt tình của cô, học trò này trở về với gia đình, học trò kia rời tiệm net… Các em rủ nhau tới nhà cô vào mỗi buổi tối để được học lại phần kiến thức căn bản đã mất trong các môn toán, hóa, sinh…

 

Cứ thế, trong năm đầu tiên về trường, cô Ngọc làm được chuyện dạy học bao gồm nhiều việc hơn là chỉ trao tri thức, nó đòi hỏi truyền cảm hứng cho thay đổi, để học trò của cô cùng nhau làm nên một thực tế thật tốt đẹp: “Học bao gồm nhiều việc hơn là chỉ tiếp thu kiến thức, nó đòi hỏi sự thấu hiểu” (William Arthur Ward - Mỹ).

 

TIN KHÁC

Video

Bản đồ